Hiểu gì về vắc xin AstraZeneca đang được tiêm chủng ở Việt Nam?

10:13' - 24/03/2021
BNEWS Vắc xin AstraZeneca được sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 6 châu lục với khoảng 17 triệu người tại châu Âu đã được tiêm chủng.

Sau một số báo cáo cho rằng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca gây ra tình trạng đông máu và một số nước châu Âu dừng tiêm chủng vắc xin này, ngày 18/3/2021, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khẳng định “vắc xin của AstraZeneca an toàn và hiệu quả”, rằng lợi ích của vắc xin này là vượt trội so với nguy cơ có thể có của vắc xin đối với tình trạng huyết khối sau tiêm vắc xin và khuyến cáo tiếp tục sử dụng vắc xin này.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định không thấy có biểu hiện “gia tăng hiện tượng đông máu trong số những người đã được tiêm chủng”. Các nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia đã nối lại sử dụng vắc xin AstraZeneca.

Ngày 21/3, Ủy ban châu Âu đe dọa sẽ cấm AstraZeneca xuất khẩu vắc xin do hãng dược này giảm nguồn cung vắc xin đối với Liên minh châu Âu (EU).

Vắc xin AstraZeneca được chỉ định cho đối tượng nào?

Vắc xin AstraZeneca được lần đầu cấp phép sử dụng tại Anh vào ngày 30/12/2020 và được Tổ chức Y tế Thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 6 châu lục với khoảng 17 triệu người tại châu Âu đã được tiêm chủng.

Vắc xin AstraZeneca được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên với lịch tiêm 2 liều cách nhau từ 4-12 tuần.

Theo thông báo cập nhật gần đây của nhà sản xuất, 3 tuần sau tiêm liều 1 hiệu lực của vắc xin là 76% và hiệu lực sau khi hoàn thành lịch tiêm 2 liều vắc xin với khoảng cách 12 tuần giữa 2 liều là 82%. Các dữ liệu về hiệu lực và tính an toàn của vắc xin đối với người trên 65 tuổi còn hạn chế.

Vắc xin được chỉ định cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch... nếu những người này thuộc nhóm nguy cơ cao và lợi ích của tiêm vắc xin vượt trội so với nguy cơ mắc bệnh.

Đối với nhóm người mắc COVID-19 cấp tính đã được xét nghiệm chẩn đoán dương tính bằng phương pháp RT-PCR, có thể được chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh. Nhóm người có tiền sử sử dụng kháng thể kháng COVID-19 điều trị trước đó, việc tiêm chủng vắc xin được khuyến cáo tiêm ít nhất sau 9 tháng điều trị kháng COVID-19.

Chống chỉ định tiêm vắc xin với những  người quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin, có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chúng vắc xin COVID-19 trước.

Vắc xin AstraZeneca có gây phản ứng phụ sau tiêm?

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có thể bảo quản ở điều kiện nhiệt độ lạnh thông thường từ 2-8 độ C, phù hợp với hệ thống dây chuyền lạnh hiện có của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sau khi tiêm có thể gặp một số dấu hiệu như nhạy cảm đau chỗ tiêm (>60%), sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu (50%), đau cơ, khó chịu (>40%), sốt, ớn lạnh (>30%), đau khớp, buồn nôn (>20%), ngứa, bồn chồn... Đó là các phản ứng thông thường và sẽ hết sau vài ngày.

Điều này cho biết cơ thể của người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh. Các phản ứng ít gặp bao gồm chóng mặt, đau bụng, sưng hạch, vã mồ hôi, ngứa, phát ban. Phản ứng nặng sau tiêm vắc xin là rất hiếm gặp.

>>Đại sứ EU khẳng định tính an toàn của vaccine Astra Zeneca cung cấp cho Việt Nam

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục