Pfizer đặt mục tiêu sản xuất các loại vaccine dựa trên công nghệ mRNA

07:52' - 24/03/2021
BNEWS Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla cho biết hãng sẽ phát triển các loại vaccine mới sử dụng công nghệ mRNA để ngừa các virus và mầm bệnh khác ngoài SARS-CoV-2.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, hãng dược phẩm Pfizer vừa đặt mục tiêu mở rộng hoạt động nghiên cứu, phát triển và kinh doanh các loại vaccine bằng cách trở thành hãng dược hàng đầu thế giới sử dụng công nghệ mới mRNA sau thành công vang dội của hãng trong việc bào chế được vaccine COVID-19.

Trao đổi với Wall Street Journal, Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla cho biết hãng sẽ phát triển các loại vaccine mới sử dụng công nghệ mRNA để ngừa các virus và mầm bệnh khác ngoài SARS-CoV-2 và hiện các nhà khoa học của hãng đã sẵn sàng bước vào thử thách mới sau khi đã có một thập kỷ kinh nghiệm nghiên cứu và hợp tác với hãng BioNTech của Đức cho ra được vaccine COVID-19.

Pfizer cho biết sẽ tăng cường nghiên cứu, phát triển bởi hãng hiện cũng đang dẫn đầu về cộng nghệ mới sản xuất vaccine dựa trên mRNA và muốn tiếp tục duy trì vị trí này trên thế giới trong thời gian tới.

Pfizer hiện cũng sở hữu một trong những vaccine bán chạy nhất thế giới là Prevnar13, vaccine ngừa phế cầu khuẩn, đã mang lại cho hãng 6 tỷ USD doanh thu vào năm 2020. Cùng với vaccine viêm phổi thế hệ mới của hãng hiện đang được cơ quan quản lý của Mỹ xem xét và sẽ đưa ra quyết định vào mùa hè này, hãng cũng đang nghiên cứu sản xuất nhiều loại vaccine khác.

Việc tập trung vào nghiên cứu và sản xuất các loại vaccine sẽ khiến Pfizer bớt phụ thuộc vào tăng trưởng doanh thu của hãng trong lĩnh vực thuốc điều trị ung thư, hiện đang chiếm 1/4 doanh số của hãng. Phát triển vaccine cũng có thể giúp Pfizer cạnh tranh với các đối thủ lớn như hãng GlaxoSmithKline của Anh và Sanofi của Pháp, bởi cả hai đối thủ này đều khá mạnh trong lĩnh vực sản xuất vaccine. Doanh số bán vaccine toàn cầu dự kiến sẽ lên tới hơn 64 tỷ USD vào năm 2026, gần gấp đôi doanh số năm 2020, theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Evaluate Ltd.

Thành công được trong lĩnh vực vaccine là một thách thức rất lớn đối với bất kỳ hãng dược nào bởi thường công tác nghiên cứu phải mất tới cả thập kỷ, với rất nhiều lần thử nghiệm thất bại. Thêm vào đó, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì công nghệ mRNA chưa được chứng minh và các đối thủ khác của Pfizer, chẳng han như hãng Moderna, lại có nhiều kinh nghiệm hơn về công nghệ này.

Với vaccine sử dụng công nghệ mRNA, các phân tử chuyển chỉ dẫn đến các tế bào để tạo ra protein, sau đó huấn luyện hệ thống miễn dịch chống lại mầm bệnh. Trong khi đó, hầu hết các loại vaccine truyền thống trước đây lại sử dụng một phần virus đã bị làm suy yếu hoặc không còn hoạt động để kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Khi thỏa thuận hợp tác của Pfizer và BioNTech chấm dứt vào tháng Bảy tới, Pfizer sẽ tiếp quản toàn bộ việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sở hữu quyền thương mại hóa vaccine COVID-19. Các nhà khoa học chuyên về công nghệ mRNA của Pfizer sẽ tập trung nghiên cứu ở Pearl River, thuộc hạt Rockland, bang New York và đây cũng chính là nơi vaccine COVID-19 của hãng đã được nghiên cứu và phát triển hồi năm 2019.

Kể từ 2019, Pfizer đã tăng ngân sách dành cho nghiên cứu phát triển thêm 21%. Theo hãng nghiên cứu thị trường Bernstein, doanh thu vaccine COVID-19 toàn cầu sẽ lên tới 15 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2023 nếu như việc chủng mũi nhắc lại phải tiến hành hàng năm.

Sau khi vaccine Moderna và Pfizer được phát triển thành công chống được bệnh COVID-19, vaccine đã thu hút sự quan tâm của thị trường chứng khoán phố Wall bởi khả năng của nó trong việc chấm dứt đại dịch trong khi trước đây cổ phiếu vaccine thường mang lại lợi nhuận thấp hơn cổ phiếu của các loại thuốc khác như thuốc ung thư hay thuốc khớp.

Giám đốc điều hành Pfizer Bourla hy vọng hãng có thể phát triển được thêm nhiều loại vaccine khác trong vòng chưa đến một năm tới./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục