Hiểu thế nào về khu vực kinh tế chưa được quan sát?

11:42' - 17/06/2018
BNEWS Ở Việt Nam, dễ nhận thấy là hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện khắp mọi nơi, song những thống kê và hiểu biết về khu vực này vẫn còn hạn chế.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: TTXVN

Khái niệm khu vực kinh tế chưa được quan sát, kinh tế phi chính thức, hay kinh tế ngầm…gần đây được các nhà quản lý, giới chuyên gia nhắc đến nhiều khi nói về quy mô của nền kinh tế.

Ở Việt Nam, dễ nhận thấy là hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện khắp mọi nơi, song những thống kê và hiểu biết về khu vực này vẫn còn hạn chế. Vậy, khu vực kinh tế không quan sát được hiện nay có quy mô ra sao và nếu đưa được vào thống kê sẽ đóng góp thế nào cho GDP ? Để cùng tìm hiểu vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phóng viên: Thưa ông, chúng ta đã nghe nhiều khái niệm khác nhau như: “kinh tế phi chính thức”, “kinh tế không quan sát được” hay “kinh tế ngầm”. Vậy theo ông đâu là khái niệm đúng và cần hiểu khái niệm này cụ thể như thế nào?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Khu vực kinh tế chưa được quan sát phản ánh kết quả của các đơn vị tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa có điều kiện để thu thập thông tin. Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố:
Thành tố thứ nhất là kinh tế ngầm, bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ các cơ sở kinh doanh đó chủ ý, chủ định không khai báo vì mục đích trốn thuế, không nộp thuế thu nhập, không nộp thuế giá trị gia tăng hay vì mục đích trốn đóng bảo hiểm xã hội, không thực hiện các chế độ báo cáo theo pháp lý của nhà nước (chế độ báo cáo tài chính, báo cáo thống kê).
Thành tố thứ hai là các hoạt động kinh tế bất hợp pháp. Đây là các hoạt động pháp luật cấm như buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, hay bao gồm cả hoạt động hợp pháp nhưng do các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp thực hiện, những cơ sở không đăng ký kinh doanh.
Thành tố thứ ba là khu vực kinh tế chính thức chưa được quan sát. Khu vực này bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ thường không phân biệt sản xuất kinh doanh hay hộ cá thể hoặc không rõ quan hệ lao động giữa chủ lao động với người lao động, không có ký kết hợp đồng lao động.
Thành tố thứ tư, khu vực kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình như hộ gia đình tự sản xuất, tự tích lũy để trang trải cho cuộc sống.
Thành tố thứ năm là các hoạt động thu thập dữ liệu cơ bản bị bỏ sót, thiếu.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động và quy mô kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Đối với Việt Nam hiện nay chưa có một nghiên cứu bài bản và chưa tính toán được các hoạt động này. Trong năm 2017, Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp đã nghiên cứu về việc làm phi chính thức ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Nhưng lao động phi chính thức không đồng nghĩa với việc chúng tôi thu thập kết quả kinh doanh của họ. Họ là lao động phi chính thức nhưng hoạt động của họ đã được tính toán vào các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, để xác định về quy mô của các hoạt động kinh tế khu vực chưa được quan sát là bao nhiêu thì đến nay vẫn chưa có và chưa đánh giá được.
Phóng viên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cụ thể là Tổng cục Thống kê đang thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung sơ bộ của Đề án này?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Hiện chúng tôi đang xây dựng Đề án này cho Chính phủ. Về quan điểm thực hiện Đề án, trước hết phải đảm bảo trung thực, khách quan, phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Đề án cũng phải tính toán theo đúng thông lệ quốc tế. Do Đề án phức tạp nên cần có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra cần có sự phối kết hợp của các bộ ngành và địa phương.
Nội dung Đề án sẽ xem xét 5 thành tố như tôi kể trên. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê sẽ tập trung vào nội dung khu vực kinh tế ngầm hay kinh tế bất hợp pháp.

Thực tế đây là khu vực rất khó và còn có độ vênh giữa quy định của Việt Nam và các nước. Chính vì vậy, với quan điểm đảm bảo tính khả thi chúng tôi sẽ tập trung vào nội dung là làm thế nào để thu thập thông tin được đầy đủ trong chương trình thu thập dữ liệu quốc gia. Đề án sẽ đánh giá đầy đủ hơn về khu vực sản xuất hộ gia đình cũng như đánh giá đầy đủ hơn kinh tế phi chính thức chưa được quan sát.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc tính toán và thống kê khu vực kinh tế không quan sát được?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Đánh giá khu vực chưa được quan sát giúp giải quyết một số nội dung quan trọng.
Trước hết, đánh giá khu vực này giúp đo lường được đầy đủ hơn quy mô của nền kinh tế, đánh giá được đầy đủ hơn thu nhập của người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, đánh giá xác thực hơn năng suất lao động và chỉ tiêu phản ánh về tài chính, bội chi ngân sách và nợ công. Quy mô của nền kinh tế được đánh giá đầy đủ hơn từ đó tỷ lệ nợ công cũng sẽ được đánh giá xác thực hơn.
Thứ ba, đề xuất được các định hướng, giải pháp, cơ chế quản lý của nhà nước đối với hoạt động của các ngành kinh tế và quản lý lao động tốt hơn.
Thứ tư, giúp đề xuất các chính sách liên quan đến mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế, xói mòn thuế và đưa ra các giải pháp quản lý xuất nhập khẩu đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu phi biên giới.
Cuối cùng đề xuất được các giải pháp quản lý để từng bước chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức thành hoạt động chính thức.
Phóng viên: Nhiều chuyên gia lo ngại việc thống kê khu vực kinh tế phi chính thức sẽ làm tăng quy mô GDP, từ đó làm gia tăng quy mô nợ công. Ông bình luận gì về quan điểm này?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Nếu đánh giá khu vực chưa được quan sát sẽ đánh giá được đầy đủ hơn quy mô của nền kinh tế.
Thực hiện Đề án này sẽ có 2 mặt. Thứ nhất là đánh giá đúng được quy mô của nền kinh tế để giúp Chính phủ quản lý, điều hành tốt hơn. Ví dụ khi tỷ lệ nợ công thực tế giảm đi do quy mô của GDP tăng chúng ta sẽ có thêm dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ, khi đó có cơ sở để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng thu cho nền kinh tế.
Mặt khác, quy mô GDP tăng cũng sẽ làm tăng quy mô nợ công. Tôi nghĩ tỷ lệ nợ công của Việt Nam cũng chưa đến mức báo động vì rất nhiều nước tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 100% trong khi Việt Nam đang ở mức 65%. Tất nhiên, Việt Nam là nước nghèo nên cần có mức chuẩn phù hợp riêng.
Tôi cho rằng, để đánh giá đúng khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ giúp Chính phủ có chính sách quản lý điều hành tốt hơn. Như vậy, thực hiện Đề án sẽ có nhiều điểm thuận lợi hơn là khó khăn.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tổng Cục trưởng !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục