Hiệu ứng lan tỏa từ Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN

12:12' - 24/07/2018
BNEWS Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu...

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới... và kết nối 3 đầu cầu là Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh tham gia phát biểu tham luận.

 Sáng 24/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 15/7/2018, 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Cụ thể: Bộ Công Thương có 6 thủ tục; Bộ Khoa học và Công nghệ có 4 thủ tục; Bộ Giao thông Vận tải có 12 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 13 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường có 4 thủ tục… Riêng Bộ Tài chính, tất cả các

quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các bộ, ngành.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 15/7/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 32.949 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 16.214 C/O.

Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Phillipines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN. Không chỉ dừng lại trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh kinh tế Á-Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.

Tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao về hiệu quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, những cải cách về kiểm tra chuyên ngành... đã tạo được lòng tin và quyết tâm chính trị cao đối với lãnh đạo các cấp.

Liên tục các năm từ 2014 đến 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành luôn được đặt trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Nhận thức về một xu hướng tất yếu phải cải cách, áp dụng công nghệ quản lý mới theo chuẩn mực quốc tế đã hình thành và chiếm vị trí chủ đạo khi xây dựng chính sách và thể chế.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã có phản ứng rất tích cực đối với sự thay đổi từ phía các cơ quan Chính phủ, đồng thời mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia; cải cách sâu rộng việc kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy lòng tin cũng như kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan Chính phủ.

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho các cơ quan chính phủ để đẩy nhanh tiến trình cải cách, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tác động từ Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã tạo hiệu ứng lan tỏa cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới nêu báo cáo, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới. Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN.

Cùng với hiệu quả về mặt nhận thức và tính lan tỏa cộng đồng, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, những cải cách về kiểm tra chuyên ngành còn tạo động lực to lớn để xây dựng thể chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp luật; cũng như đem lại lợi ích nhiều mặt đối với các cơ quan Chính phủ, hoạt động của các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, theo đó, kết quả thu được còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra; số lượng thủ tục triển khai còn thấp so với yêu cầu.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất, vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến.

Không những thế vẫn có tình trạng thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp; năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu.

Cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước cũng như điều hành của các cơ quan chính phủ.

Đó là chưa kể, hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc phải xử lý. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính chưa kết nối đầy đủ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước cũng như tạo tiện ích để rút ngắn thời gian vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, sân bay quốc tế, kho bãi; thanh toán và kiểm soát chứng từ thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới... qua đó rút ngắn thời gian thông quan tại cửa khẩu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh nêu một số kiến nghị cần nâng cao năng lực và giải pháp công nghệ, để kết nối các thủ tục Cơ chế mở cửa quốc gia; thống nhất nguyên tắc về kiểm tra chuyên ngành giữa các bộ, ngành. Bởi việc trộn lẫn các mặt hàng cần quản lý nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành sẽ khiến cho việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn, thời gian làm thủ tục thông quan bị kéo dài.

Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh, dư địa kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất ít. Vì lẽ đó, không nên để tình trạng này kéo dài mà cần sự quyết liệt cải cách nhằm tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng bày tỏ sự đồng tình về việc số lượng hàng hóa phải chịu sự kiểm tra còn tương đối nhiều. Trong 4 năm mới chỉ giảm được 4.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành là con số rất ít và cần phải đẩy nhanh tiến trình này.

Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cũng cần công bố, công khai những mặt hàng và danh mục hàng hóa còn phải kiểm tra chuyên ngành, xem đó thuộc lĩnh vực của những bộ, ngành nào. Có như vậy mới tìm được giải pháp hiệu quả và triệt để xử lý.

Ngoài ra, ông Cung cũng cho rằng, đang tồn tại sự trùng lặp trong kiểm tra chuyên ngành khi có đến 50% các mặt hàng đang chịu sự kiểm tra của 2 đến 3 bộ; thậm chí trong cùng 1 bộ nhưng có những mặt hàng phải do 2 đến 3 cục, vụ kiểm tra... Những thứ này nên nhanh chóng thay đổi. Hay như việc cải cách 350 văn bản pháp luật mà theo thống kê của CIEM là các luật và pháp lệnh cần phải nhanh chóng tiến hành. Trong số này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 100 văn bản, Bộ Công Thương có 35 văn bản....

Ông Cung cho rằng, nên tính tới việc sửa đổi luật, các bộ cần xem xét sửa đổi những thông tư mà doanh nghiệp phàn nàn về những chi phí thực sự bất hợp lý về thủ tục. Bản thân Cơ chế một cửa quốc gia cũng còn rất ít mở cửa kết nối với những thủ tục mà nhiều người sử dụng; mang lại lợi ích cho nhiều người. Kết nối như vậy là chưa thực chất.

Vấn đề chuẩn hóa và số hóa các hồ sơ, thủ tục cũng cần tiến thêm một bước nữa. Có như vậy, có thể tiến lên được một bước khá lớn để từ đó có thể xây dựng được Chính phủ số trong tương lai tới, ông Cung khuyến nghị. Nên đặt mục tiêu 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành Cổng thông tin Chính phủ số, đây sẽ là đột phá mạnh mẽ và vô cùng hữu ích cho nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục