Hình thành cơ chế đặc thù thu hút đầu tư trong hoạt động dầu khí

12:28' - 15/06/2022
BNEWS Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu quy định các hình thức và cơ chế ưu đãi đầu tư khác ngoài thuế… để thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí

Đối với nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến hoạt động đầu tư dầu khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đặng Hoàng An cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, bổ sung vào dự án Luật này các nội dung giao Chính phủ quy định về thủ tục ưu đãi đầu tư; thời hạn xác định nhà thầu, thời hạn thực hiện lựa chọn nhà thầu, điều kiện để áp dụng chế độ ưu đãi đặc biệt và rà soát tiêu chí các đối tượng.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu quy định các hình thức và cơ chế ưu đãi đầu tư khác ngoài thuế… để thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Về phía đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đang triển khai.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã thiết kế tốt khi xác định cơ chế ưu đãi thông thường. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho các dự án quan trọng. Thiết kế này là phù hợp, nhưng cần tham vấn thêm vì hiện đang áp dụng theo hướng nếu cơ chế bình thường không đạt được thì mới áp dụng cơ chế đặc biệt, gây kéo dài thời gian áp dụng.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề nghị, cần áp dụng song song hai cơ chế ưu đãi này, vì mục tiêu là thu hút đầu tư. Nghiên cứu thêm kinh nghiệm thế giới khi áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt là linh hoạt áp dụng cho từng dự án, từng nhu cầu cụ thể của nhà đầu tư, để vừa hài hòa quyền lợi, vừa thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu và nội dung sửa đổi của Luật Dầu khí lần này là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, chi phí thời gian. Đây là một trong những cơ chế ưu đãi, thông qua đó làm cho hoạt động dầu khí trong nước hấp dẫn hơn. Thêm nữa, luật lần này cũng được thiết kế để tăng các ưu đãi trực tiếp cho các hoạt động đầu tư dầu khí.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, lần này ban soạn thảo đã nghiên cứu, bước đầu đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, có tính đến cạnh tranh với khu vực và thế giới như: đã giảm thuế dành cho các hoạt động đầu tư dầu khí tiệm cận với mức thuế trong khu vực; giảm thuế xuất khẩu đối với dầu khí để tăng tính cạnh tranh.

Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai. Tuy nhiên, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn.

Về định hướng sửa đổi dự thảo Luật Dầu khí đại biểu cho hay, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu luôn tăng cao.

Bên cạnh đó, trên thực tế thời gian qua nước ta không có trường hợp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, nếu có cũng phải trả giá rất cao. Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, đại biểu đề nghị xem xét kỹ và không đầu tư lĩnh vực này bằng mọi giá.

Về tính cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho biết, một trong những định hướng quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật là phải đảm bảo được tính cụ thể. Đại biểu đề nghị, tiếp tục rà soát để cụ thể hóa tối đa những điều khoản, nội dung của dự thảo luật này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục