Hình thành cộng đồng doanh nghiệp liêm chính, có sức cạnh tranh cao

17:46' - 11/10/2016
BNEWS Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 với chủ đề Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu”, được tổ chức ngày 11/10 tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, Chính phủ đang cố gắng nâng bậc thứ hạng cạnh tranh với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và trên toàn cầu.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nâng cấp, đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Cốt làm sao trở thành xu hướng chính của công cuộc cải cách, hướng tới hình thành một Chính phủ kiến tạo và phục vụ; một cộng đồng doanh nghiệp liêm chính, có sức cạnh tranh cao.

Theo tổng kết của VCCI, trong 5 năm với diễn biến thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng tăng mạnh, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá cả đầu ra giảm sút, tồn kho lớn, doanh nghiệp đã phải chật vật tái cấu trúc để tồn tại.

Cho dù đã xuất hiện những doanh nghiệp mới tiềm năng, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa định hướng được một diện mạo mới và có những đột phá hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Home Credit, ông Bruce Butler phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn và được xếp hạng cao trong khu vực, song chất lượng và hiệu quả hoạt động còn nhiều việc phải bàn.

Các doanh nghiệp này đang chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính ngân hàng và bất động sản. Hầu hết doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp thấp, nên còn xa mới đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến ở khu vực nông nghiệp, nông thôn…

Tuy nhiên, bước sang năm 2016, năm được coi là Năm doanh nghiệp, đã bắt đầu có nhiều chuyển biến đáng kể. Nhất là khi Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với nhiều ý nghĩa khởi nghiệp và quyết tâm thực hiện một Chính phủ kiến tạo.

“Thể chế nào, doanh nhân đó, các doanh nhân đang hoạt động sẽ phải lột xác, chuyển mình và một thế hệ doanh nhân mới sẽ hình thành, một thế hệ doanh nhân sáng tạo”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của VCCI, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright khẳng định, trong xã hội hiện đại, vai trò của doanh nhân cần phải được nêu bật và nhìn nhận đúng với những đóng góp tích cực do họ mang lại.

Phải có tiêu chí xếp hạng và cần môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng và khuyến khích tầng lớp doanh nhân mạnh dạn vươn cao, làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Bởi không ai khác, chính họ là người tạo ra việc làm, của cải vật chất và ngân sách cho nền kinh tế.

Đánh giá sơ lược về năng lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu; trong đó, có Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk); Công ty TNHH MTV Thực phẩm Ma San hay Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Tiến sĩ Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc, Công ty TNHH KPMG, bình luận, xu hướng mua bán, sáp nhập đang là một trong nhiều giải pháp giúp tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bởi qua đó có thể tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến, trình độ tổ chức, quản lý sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài; cũng như gia tăng quy mô doanh nghiệp về vốn và giá trị; đồng thời giúp tăng cường tính minh bạch về tài chính.

Tuy nhiên, phải đối mặt với không ít thách thức do sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh, phương hướng, văn hóa, cách thức tổ chức và điều hành; cũng như phát sinh khi đầu tư và hợp tác. Chưa kể, thách thức về vấn đề bố trí, sắp xếp doanh nghiệp….

Cũng theo ông Ái, để việc mua bán, sáp nhập thực sự đạt hiệu quả mong muốn của các bên tham gia, doanh nghiệp cần lưu tâm nghiên cứu kỹ về khuôn khổ pháp luật, các quy trình, quy định kiểm soát về ngoại hối, tỷ giá; quy định về chuyển lợi nhuận, lợi tức đầu tư; việc thâm nhập thị trường, ngành nghề và tiếp nhận nguồn lực mới…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục