Hòa Phát lấy mặt hàng thép là sản xuất cốt lõi

12:28' - 29/03/2019
BNEWS Tập đoàn Hòa Phát định hướng năm 2019 vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất cốt lõi là thép; trong đó, ưu tiên dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất.
Hòa Phát sẽ ưu tiên cho dự án thép Dung Quất. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 29/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Hòa Phát đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Tại đại hội lần này, trong bối cảnh chính sách bảo hộ từ các nước và giá nguyên liệu gia tăng, Tập đoàn đã đặt ra nhiều mục tiêu.

Theo đó, Hội đồng quản trị Tập đoàn định hướng năm 2019 vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất cốt lõi là thép; trong đó, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất phải được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo đi vào hoạt động đúng tiến độ.

Theo dự kiến, đến giữa năm 2019, lò cao đầu tiên của Khu liên hợp sẽ chính thức hoạt động. Toàn bộ các dây chuyền thiết bị dự kiến sẽ hoàn thành và hoạt động đồng bộ vào cuối năm 2019, đầu 2020.

Đồng thời, Tập đoàn cũng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, giúp thép Hòa Phát không bị phụ thuộc vào thị trường nào cụ thể, chủ động trong phân bổ sản lượng xuất khẩu khi cần thiết. Tập đoàn Hòa Phát vẫn chú trọng thị trường trong nước và giữ tỷ trọng khoảng trên 10% cho xuất khẩu, hướng đến nhiều thị trường và chú trọng các nước Đông Nam Á.

Ở lĩnh vực tôn, Hòa Phát sẽ mở rộng thị trường trong nước, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu cho sản phẩm tôn Hòa Phát. Với công suất 400.000 tấn/năm, Nhà máy Tôn Hòa Phát là một dự án trọng điểm của Tập đoàn Hòa Phát trong lộ trình thực hiện mục tiêu lọt vào Top 5 nhà sản xuất tôn lớn nhất Việt Nam vào năm 2020...

Theo báo cáo từ Tập đoàn Hòa Phát, năm 2019 tiếp tục là năm tiền đề cho bước nhảy vọt “sức mạnh mới, tầm vóc mới”, doanh thu dự kiến ghi nhận tăng bởi đưa giai đoạn 1 Dự án Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất, dây chuyền tôn mạ màu vào hoạt động và tăng dần quy mô từ các sản phẩm nhóm ngành nông nghiệp. Tập đoàn cũng đặt kế hoạch doanh thu năm 2019 đạt 70.000 tỷ đồng, lợi nhuận 6.700 tỷ đồng.

Chia sẻ về con số mục tiêu doanh thu tăng gần 14.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của 2019 lại giảm gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2018 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn cho hay, chi phí của dự án Dung Quất trên 20.000 tỷ, trong thời gian xây dựng nhà máy, khoản vay này được vốn hóa, nhưng sang năm 2019, khi dự án có sản phẩm thì phải đưa vào chi phí sản xuất nên chi phí tài chính tăng.

Cùng với đó, giá quặng sắt trên thế giới thời gian qua đã tăng từ 60-62 USD/tấn lên 85-90 USD/tấn, mỗi tấn thép phải dùng tới 1,6 tấn quặng..., cùng với giá điện tăng, các chi phí khác, khiến cho đầu vào sản xuất tăng. Mặc dù vậy, giá thành sản phẩm lại không thể tăng, hiện giá của Hòa Phát đang rất cạnh tranh trên thị trường...

“Không thể chỉ nhìn vào mục tiêu lợi nhuận, mà phải nhìn cả cặp doanh thu - lợi nhuận. Mục tiêu về doanh thu cao, thể hiện sản lượng bán hàng tăng, thị phần tăng. Còn về lợi nhuận thì 99% do các yếu tố đầu vào”, ông Long nói.

Sản xuất thép thanh tại Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát
Đánh giá năm 2019 vẫn là năm nhiều thách thức, giá nguyên nhiên liệu xu hướng tăng, giá bán lại chiều hướng giảm, các dự án mới đưa vào vận hành chưa chạy đủ công suất, chi phí tài chính tăng...Ông Đoàn Gia Cường, Phó Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn cũng cho hay, với việc bảo hộ thương mại đang gia tăng tại nhiều quốc gia/khu vực, giá thép nhiều khả năng sẽ bị phân hóa đối với các khu vực. Nguồn cung thép Việt Nam tăng lên khá mạnh, giá thép sẽ chịu áp lực giảm giá khá lớn trong năm 2019.

Theo báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2018 của Tập đoàn Hòa Phát, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 56.580 tỷ đồng và 8.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 21% và 7% so với năm 2017, vượt lần lượt 3% và 7% kế hoạch năm 2018.

Lĩnh vực thép tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và khẳng định là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn, lần lượt chiếm 83% và 89% trong doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Năm 2018, Hòa Phát tiếp tục xác lập kỷ lục kinh doanh cao với 3.180.000 tấn các loại thép thành phẩm, tăng 10% so với năm 2017.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho hay, chưa khi nào thép Hòa Phát nhận được đơn hàng với khối lượng lớn như năm qua. Thép Hòa Phát cũng đã thắng kiện và không bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Australia. Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt gần 6.388 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2017, đóng góp phần lớn trong con số 27.000 tỷ đồng nộp ngân sách 10 năm 2009-2018.

Tập đoàn cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2018 ở mức tỷ lệ chi trả 30% và trả toàn bộ bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện chi trả sẽ vào Quý II/2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục