Hồ sơ Pandora - "Cơn sóng thần" đe dọa giới siêu giàu

15:57' - 05/10/2021
BNEWS Hàng triệu tài liệu bị rò rỉ, được "Hồ sơ Pandora" tập hợp đã tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng tại các "thiên đường thuế".

Vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017) đang trở thành "cơn sóng thần" đe dọa giới siêu giàu, mở cánh cửa nhìn vào thế giới tài chính ngầm.

* "Hồ sơ Pandora"

"Hồ sơ Pandora", được Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp với khoảng 150 tờ báo điều tra và công bố ngày 3/10, bao gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu dưới nhiều hình thức, từ văn bản đến dữ liệu số, bị rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính ở nước ngoài.

Với 2,94 terabyte dữ liệu, "Hồ sơ Pandora" điểm mặt hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes có liên quan đến các tài khoản ở nước ngoài.

Theo "Hồ sơ Pandora", những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống thiên đường thuế ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.

Trong số những cái tên được nêu có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Quốc vương Jordan Abdullah II, Thủ tướng Czech, Tổng thống Kenya, Tổng thống Ukraine, hay nữ ca sĩ Shakira..., mà nổi bật là Vua Jordan Abdullah II.

Theo hồ sơ, ông tích lũy bất động sản bí mật trị giá 100 triệu USD trải dài từ Malibu, Washington tới London. Tổng cộng ông đã mua 15 ngôi nhà từ khi cầm quyền năm 1999 thông qua các công ty ở thiên đường thuế.

Trong “Hồ sơ Pandora”, Quốc vương Abdullah II, bị cáo buộc đã sử dụng các tài khoản nước ngoài để chi hơn 100 triệu USD cho những ngôi nhà sang trọng ở Anh và Mỹ.

“Hồ sơ Pandora” cũng đe dọa sẽ gây ra xáo trộn chính trị cho hai nhà lãnh đạo trong EU. Thủ tướng Cộng hòa Czech, Andrej Babis, người sẽ tranh cử trong tuần này, đang phải đối mặt với những câu hỏi tại sao ông lại sử dụng một công ty đầu tư ở nước ngoài để mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền Nam nước Pháp.

Tại Cyprus, Tổng thống Nicos Anastasiades có thể sẽ được yêu cầu giải thích lý do tại sao một công ty luật do ông thành lập bị cáo buộc che giấu tài sản cho một tỷ phú Nga gây tranh cãi bằng cách dựng nên các chủ sở hữu công ty giả.

Đắc cử năm 2019 với cam kết dọn dẹp nền kinh tế tham nhũng khét tiếng ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng có tên trong “Hồ sơ Pandora”.

Theo hồ sơ này, trong chiến dịch tranh cử, ông Zelensky đã chuyển 25% cổ phần một công ty ở thiên đường thuế nước ngoài cho cố vấn hàng đầu của ông.

“Hồ sơ Pandora” tiết lộ gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã giao dịch trên 540 triệu USD bất động sản ở Anh. Một trong số những bất động sản của họ đã được bán cho tổ chức quản lý bất động sản Crown Estate của Anh.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng lên tiếng phản đối việc trốn thuế trong nhiều thập kỷ, song những rò rỉ tiết lộ rằng ông và vợ có thể đã sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD khi mua một công ty bất động sản nước ngoài của gia đình Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Bahrain al-Zayani.

Bằng cách mua cổ phần của công ty chứ không trực tiếp mua tòa nhà, ông Blair và vợ đã có thể tránh phải nộp thuế tài sản tổng cộng 400.000 USD.

Trong "Hồ sơ Pandora", Tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng bị nêu tên liên quan đến việc bán mỏ đồng và mỏ sắt Minera Dominga ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Tại Pakistan, "Hồ sơ Pandora" có nhắc đến tên của hơn 700 người Pakistan, bao gồm nhiều thành viên trong nội các của Thủ tướng Imran Khan, được cho là sở hữu bí mật các công ty và các quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD. Tại Kenya, Tổng thống Uhuru Kenyatta và họ hàng đã tích lũy tài sản trị giá hơn 30 triệu USD ở nước ngoài.

Ngoài ra, "Hồ sơ Pandora" còn tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty nước ngoài. Một số công ty này được sử dụng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy. Hồ sơ cũng vạch mặt nhiều tội phạm lừa đảo, trùm ma túy tìm cách tẩu tán tài sản đến những thiên đường thuế ở nước ngoài.

* Những phản ứng

Theo giới phân tích, Hồ sơ Pandora đã mở ra một cánh cửa hiếm hoi, giúp dư luận nhìn vào thế giới tài chính ngầm, các hoạt động ngầm của nền kinh tế tại các quốc gia có mức thuế thấp.

Ở đó, một số người thuộc hàng giàu nhất thế giới che giấu tài sản và trong một số trường hợp, họ đóng rất ít thuế hoặc không đóng thuế.

Giới chuyên gia cho rằng, bản thân việc thành lập hay thu lợi từ các thực thể ở nước ngoài không phải là điều bất hợp pháp và trong một số trường hợp, mọi người có thể có lý do chính đáng, chẳng hạn như an ninh, để làm như vậy.

Tuy nhiên, nhờ tính bí mật mà các thiên đường thuế lại rất hấp dẫn những người có mục đích trốn thuế, gian lận thuế, rửa riền, một vài trong số đó đã bị phanh phui trong “Hồ sơ Pandora”. Các cá nhân và các công ty giàu có cất giữ tài sản của họ ở nước ngoài để tránh phải nộp thuế ở nơi khác, khiến các chính phủ thất thu.

Theo ước tính của ICIJ, có khoảng từ 5.600 tỷ USD đến 32.000 tỷ USD được ẩn giấu ở các thiên đường thuế ở nước ngoài. Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế việc sử dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới phải trả tới 600 tỷ USD tiền thuế bị mất mỗi năm.

Hồ sơ Pandora cũng cho thấy một số ảnh hưởng không được nhiều người biết đến của các vụ rò rỉ tài liệu trước đây, vốn là nguyên nhân thúc đẩy những cải cách “khiêm tốn” ở một số nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, các tài liệu rò rỉ mới được tiết lộ này cho thấy tiền đang được chuyển qua lại giữa các điểm đến ở nước ngoài, trong bối cảnh các khách hàng giàu có tìm cách thích nghi với thực tế mới.

Giám đốc ICIJ, Gerard Ryle, cho rằng các chính trị gia có tài sản ở các thiên đường thuế có thể sẽ cản trở cải cách nền kinh tế thiên đường thuế.

Do đó, ông hy vọng “Hồ sơ Pandora” sẽ có tác động lớn hơn so với các hồ sơ tương tự từng bị rò rỉ trước đây vì hồ sơ được tung ra giữa đại dịch COVID-19, đặc biệt là bởi hồ sơ này được tiết lộ trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và buộc các chính phủ phải đi vay những khoản tiền lớn chưa từng có tiền lệ, tạo thêm gánh nặng cho những người dân đóng thuế.

Trong khi đó, trước việc rò rỉ tài liệu từ "Hồ sơ Pandora", ngày 4/10, giới chức một số nước đã đưa ra phản ứng bác bỏ những cáo buộc trong hồ sơ trên. Hoàng gia Jordan cho biết việc Quốc vương nước này Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật, đồng thời nhấn mạnh vì các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này.

Thủ tướng Czech Babis đã bác bỏ các cáo buộc trong "Hồ sơ Pandora" rằng ông đã sử dụng một công ty ở nước ngoài để mua một bất động sản ở Pháp trị giá 22 triệu USD, khẳng định hành động của ông nằm trong khuôn khổ luật pháp.

Tương tự, Tổng thống Chile Pinera phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định ông đã không điều hành các công ty của mình trong 12 năm và không được thông báo về việc bán các mỏ Minera Dominga.

Điện Kremlin cũng gọi những gì được nêu trong "Hồ sơ Pandora" là "những cáo buộc thiếu căn cứ"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục