Hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ công nghệ trên nền tảng số

14:58' - 11/12/2024
BNEWS Các chủ doanh nghiệp, cơ sở đã chuẩn bị sản phẩm của đơn vị mình, áp dụng những kiến thức được cung cấp thực hành chụp ảnh, quay video, xây dựng kênh Tiktok, Fanpage.

Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện đơn hàng và quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử là mục đích của buổi tập huấn Xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp trên nền tảng số do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định tổ chức ngày 11/12.

* Nhiều vướng mắc khi đưa nông sản lên sàn

Với lượng sản phẩm nông sản lớn, giá trị sản xuất nông nghiệp của Nam Định không ngừng nâng cao với nhiều sản phẩm được nâng cấp, cải thiện chất lượng, mẫu mã đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính (Nhật, Mỹ, EU…).

 

Nhiều sản phẩm của tỉnh khẳng định được vị trí trên thị trường như: gạo sạch Toản Xuân, ngao sạch Lenger, chả cá, tép moi sấy Hùng Vương, Nước mắm Ninh Cơ, muối sạch Nam Định…  Tỉnh hiện có gần 500 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với 55 sản phẩm 4 sao.

Để tiêu thụ sản phẩm, tỉnh khuyến khích các cơ sở phát triển thương mại điện tử. Tỉnh đã ký kết hợp tác với các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ đưa trên 400 dòng sản phẩm nông nghiệp của 200 cơ sở lên các sàn thương mại điện tử lớn: như Voso; postmark; Shopee… Tuy không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng thực tế, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thỉnh Ca, thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng có vùng nguyên liệu 8ha cho thu hoạch 80 tấn cá mỗi năm. Từ việc chủ động nguyên liệu, công ty chuyên sản xuất, chế biến các loại cá kho niêu với sản lượng 4.000 niêu cá/tháng là một trong những đơn vị có thương hiệu của Nam Định.

Mặc dù sản phẩm phân phối rộng rãi ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc tuy nhiên hiện tại, sản phẩm của công ty chủ yếu được bán theo phương thức truyền thống qua các kênh siêu thị, cửa hàng  chưa thể đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Ca, đại diện công ty cho biết hiểu được xu hướng của người tiêu dùng hiện nay, thường đặt hàng qua các nền tảng mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử nhưng do thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ cũng như chưa tự tin, chưa biết cách xây dựng nội dung quảng bá nên việc tiêu thụ sản phẩm của công ty chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Là chủ cơ sở kinh doanh yến sào Thu Thủy, thành phố Nam Định, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết bên cạnh việc bán hàng theo phương thức truyền thống, cơ sở của bà đã và đang bán sản phẩm qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo nhưng lượng khách hàng tiếp cận chưa cao. Do đó, bà mong muốn được tham gia các khóa học làm video quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm lên đa dạng các trang thương mại điện tử để mở rộng kênh bán hàng, tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng.

* Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng

Tại buổi tập huấn Xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp trên nền tảng số, trên 80 học viên của 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được các cán bộ, chuyên gia giới thiệu, hướng dẫn việc xây dựng thương hiệu và sáng tạo nội dung quảng bá sản phẩm.

Các chủ doanh nghiệp, cơ sở được nghe kiến thức xúc tiến thương mại, hướng dẫn chuẩn hóa tên thương hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh để xây dựng nội dung truyền thông, chụp ảnh, quay dựng các video ngắn đăng trên các nền tảng mạng xã hội đồng thời học cách xây dựng các kênh trên các nền tảng Tiktok, Facebook, Fanpage phục vụ quảng bá và bán hàng.

Tham gia buổi tập huấn, các chủ doanh nghiệp, cơ sở đã chuẩn bị sản phẩm của đơn vị mình, áp dụng những kiến thức được cung cấp thực hành chụp ảnh, quay video, xây dựng kênh Tiktok, Fanpage. Các sản phẩm của học viên được kiểm tra, góp ý chỉnh sửa trực tiếp, từ đây, học viên rút ra kinh nghiệm và tự tin thực hiện các ý tưởng quảng bá sản phẩm của mình.

Bà Phạm Thị Thoa, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định cho biết, thay đổi tư duy bán hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh tiêu thụ, phân phối mới và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước là mục tiêu ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng tới.

Để giúp các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đi sâu vào thị trường, sau buổi tập huấn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh sẽ triển khai các lớp đào tạo nâng cao để các chủ cơ sở, doanh nghiệp hiểu chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu và các cơ sở muốn phát triển bền vững thì việc bán hàng trên các nền tảng xã hội vừa là hướng đi mới vừa mang lại tác động tích cực.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; vận động và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thường xuyên tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục