Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao

19:18' - 17/12/2020
BNEWS Chiều 17/12, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn "Phát triển hệ sinh thái: Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".

Sự kiện thu hút đông đảo giới nghiên cứu; các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, các thị trường lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ đóng băng cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ khiến nền nông nghiệp trong nước luôn gặp cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.

Bên cạnh việc đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, ứng dụng công nghệ được xem là "thang thuốc" hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là một xu hướng ngắn hạn mà là 1 hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn gặp phải không ít thách thức. Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian tới, cần sự quan tâm tiếp tục của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện các chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra sản lượng nông sản lớn. Do đó, song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phục vụ sản xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thị trường cho sản phẩm nông sản. Chỉ khi dự báo được nhu cầu thị trường thì việc tổ chức, quy hoạch sản xuất mới đảm bảo tính cân đối và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nông nghiệp.

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao được áp dụng và đạt được những hiệu quả lớn, Việt Nam rất có tiềm năng trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, hệ sinh thái này bao gồm rất nhiều thành phần tham gia từ hộ gia đình đến hợp tác xã, doanh nghiệp, các tập đoàn…. Việc áp dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp cũng chưa thực sự được đẩy mạnh triệt để, ngoài về vốn, đất đai, thông tin thị trường.

Theo ông Định, cần phải giải được câu hỏi "ai là người cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao?". Người nông dân có đến 9 triệu hộ và về cơ bản dù các doanh nghiệp có lớn đến mấy thì lượng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường đến nay vẫn là đến từ nông dân. Do đó, để phát triển liên kết nông nghiệp phát triển bền vững thì vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là quan trọng nhất trong "4 nhà" hay "6 nhà".

Cùng đó, tiếp tục thay đổi tư duy, không phải sản xuất quy mô lớn hay nhỏ, mà phải phù hợp với điều kiện của địa phương và người sản xuất, người đầu tư. Từ đó mới có thể nghiên cứu được chính sách. Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao cần được định danh một cách cụ thể, có tiêu chuẩn phù hợp với địa phương, với người nông dân thì mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, các công nghệ cao về nông nghiệp của nước ngoài khi áp dụng tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phù hợp với môi trường, khí hậu, chưa phát huy được hết hiệu quả. Do đó, cần xem xét nghiên cứu công nghệ, vật liệu phục vụ công nghệ cao nội địa.

Liên quan tới việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó phòng Phát triển Giải pháp tài chính, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Viettinbank) cho biết, hiện nay, các giải pháp tài chính tăng cường cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mắt xích chính là doanh nghiệp và cho vay trọn đời dự án,… là chưa có những phương án đồng bộ.

Ngoài ra, còn nhiều thách thức khác mà ngành nông nghiệp đang gặp phải như xác định đối tượng ưu tiên và thiếu các quỹ bảo hiểm cho từng lĩnh vực cụ thể; thủ tục vay vốn hay việc thẩm định cho vay cũng cần nhiều thời gian, chưa có bộ tiêu chí đánh giá chuyên môn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Xuất phát từ những vấn đề đó, bà Thùy Dương cũng đề nghị các ngân hàng quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về việc tài trợ phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp công nghệ cao cho các ngân hàng thương mai Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành điều chỉnh các chính sách pháp luật liên quan đến vay vốn ngân hàng như: các chính sách về tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, tài sản hình thành trên đất như nhà kính trên đất nông nghiệp...

Hay, đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan có chính sách về dự trữ bắt buộc để các ngân hàng thương mại cho vay sản xuất nông nghiệp và xóa nợ đối với các khoản vay không có khả năng thu hồi đối với các rủi ro liên quan. Song song với đó, hỗ trợ phí bảo lãnh cho các nhà đầu tư nông nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích về giá để các hộ kinh doanh có lợi thế hơn về giá…

Theo bà Dương, cần phát triển thêm một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp làm nông nghiệp. Từ đó, giúp họ yên tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất; đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ phí bảo lãnh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy thêm các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào ngành nghề nhiều rủi ro này.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hộp cũng nêu ý kiến, cần tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng logictics phục vụ xuất khẩu nông, thủy hải sản, xây dựng sàn giao dịch tập trung các công ty cung cấp dịch vụ logictics, cảng và cơ quan chuyên ngành.

Đồng thời, có chính sách giá hợp lý với các doanh nghiệp đóng gói bao bì để đảm bảo mối quan hệ bền chắc, lâu dài với doanh nghiệp chủ hàng nông sản. Ngoài ra, có những chính sách tài trợ và tiêu chuẩn kho bảo quản sau thu hoạch. Chú trọng đầu tư những nghiên cứu giúp người nông dân tìm ra giải pháp kết nối rộng hơn để không chỉ được mùa, được giá mà còn xuất khẩu sản phẩm nông sản chất lượng tốt đến thị trường quốc tế…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục