Hỗ trợ lãi suất 2%: Đảm bảo thực hiện đúng quy định, đối tượng, mục đích

20:02' - 06/07/2022
BNEWS Việc triển khai chính sách phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Chiều 6/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 31/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, chương trình hỗ trợ lãi suất lần này có quy mô lớn, triển khai trên toàn quốc và có sức lan tỏa đến toàn nền kinh tế.

 



Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả, bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; gắn với điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá…, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tối đa hiệu quả của chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định và các Bộ, ngành liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng phải tham gia trực tiếp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là chính sách sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Chính sách này được thực hiện nhằm mục tiêu hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn vay của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.

Việc triển khai chính sách phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hạn chế các sai phạm trong quá trình triển khai, thực hiện dự toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm. Cụ thể nhóm 1 gồm: Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Nhóm 2 là nhóm thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Với mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm, thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 gần 16.035 tỷ đồng, bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên 23.965 tỷ đồng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách. Tổ chức hội nghị toàn ngành ngân hàng để phổ biến, quán triệt triển khai.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các ngân hàng thương mại sớm triển khai chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp tất cả các câu hỏi, thắc mắc nhận được dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản và qua trao đổi trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, nhu cầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế là rất lớn. Đối với các dự án thuộc 3 nhóm ngành nghề thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị định 31 cũng đồng thời là trụ cột phát triển kinh tế của Thanh Hóa trong giai đoạn 2021-2025, như công nghiệp chế biến - chế tạo; nông nghiệp; du lịch và một số ngành nghề khác là vận tải, kho bãi, giáo dục và đào tạo…

Ngay sau khi Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% được ban hành, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã khẩn trương triển khai chương trình, thành lập ban chỉ đạo, chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng; thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải đáp các vướng mắc trong thực thi chính sách...

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chương trình hỗ trợ lãi suất lần này có quy mô lớn, triển khai trên toàn quốc, số lượng ngân hàng thương mại tham gia nhiều. Do đó, để thực hiện thành công nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao, đem lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa đến toàn nền kinh tế, cùng với Ngân hàng Nhà nước cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, các ngân hàng thương mại, khách hàng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ nhiệm vụ được giao tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các ngân hàng thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục