Hỗ trợ người sản xuất lúa gạo hoạt động hiệu quả

20:19' - 18/12/2023
BNEWS Chiều 18/12, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Tham vấn Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Với mong muốn tạo điều kiện cho hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã lúa gạo tại các địa phương phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, từ đó thúc đẩy ngành lúa gạo của cả nước vươn tầm, chiều 18/12, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Tham vấn Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII; theo đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng và phê duyệt Đề án “Thí điểm về thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Qua đó, trao đổi, thảo luận làm rõ cơ sở lý luận, nhu cầu thực tiễn cho việc thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, hiện có 5 văn bản chính thức đề cập và giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất về thí điểm thành lập, bộ máy tổ chức hoạt động và phương thức hỗ trợ đối với mô hình Liên đoàn Hợp tác xã. Cụ thể, tại Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, tại điểm h mục 5 Phần IV Giải pháp có giao hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: “Nghiên cứu, đề xuất các quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và nội dung, phương thức hỗ trợ đối với Liên đoàn Hợp tác xã. Tuyên truyền, vận động các Liên hiệp Hợp tác xã cùng ngành nghề, lĩnh vực tham gia thành lập các Liên đoàn Hợp tác xã cấp tỉnh, vùng, quốc gia theo các quy định của pháp luật”.

Cùng đó, tại Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, trong đó định hướng phát triển có nêu “… khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động…”. Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Ngoài ra, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đối mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tại điểm 3, mục 3 phần III nhiệm vụ và giải pháp nêu rõ: Khuyến khích liên kết kinh tế giữa các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực; nghiên cứu, thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực…

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 02/02/2023 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII có giao nhiệm vụ cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng và phê duyệt Đề án “Thí điểm về thành lập và hoạt động của Liên đoàn hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Bên cạnh đó, tại Thông báo số 2107/TB-TTKQH ngày 23/3/2023 của Tổng thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội về chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc, thí điểm thành lập liên đoàn hợp tác xã.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao chủ trì xây dựng Nghị quyết quốc hội về các nội dung trên, dự kiến ký ban hành vào năm cuối năm 2025, thời gian thực hiện Nghị quyết là 10 năm (2026-2035). Dự kiến năm 2033, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 và tổng kết Nghị quyết thí điểm này, nếu thấy nội dung thí điểm là tốt, cần thiết, có thể bổ sung nội dung về Liên đoàn Hợp tác xã vào Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2035.

Tại hội thảo, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng chỉ rõ: Theo dự thảo Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo không những đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Ước tính sản lượng lúa trung bình một năm của Việt Nam đạt từ 43-45 triệu tấn, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo; trong đó, khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước. Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 40.577,6 km² và có tổng dân số gần 17,8 triệu người, được xác định là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Thực tế, trong những năm gần đây, một số mô hình liên kết giữa các thành viên hợp tác xã, giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp đã bước đầu thành công ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường tỉnh Bạc Liêu, tập đoàn Lộc Trời,…. tuy quy mô và tính liên kết đã tăng nhưng chưa hệ thống, chưa tập trung đầy đủ sức mạnh tổng hợp của các tổ chức sản xuất, kinh doanh lúa gạo toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, việc thành lập Liên đoàn là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, khi có một tổ chức theo ngành dọc, vừa đại diện cho thành viên, vừa là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân độc lập và tiến hành trực tiếp điều phối hoạt động của hợp tác xã thành viên, thực hiện các hoạt động kinh tế riêng, điều phối chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã thành viên.

Mặt khác, thành lập Liên đoàn cũng phù hợp với kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, Liên đoàn Hợp tác xã các nước cũng là cánh tay nối dài nắm bắt, phổ biến chính sách của nhà nước tới các thành viên. Đồng thời, hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết sản xuất, hướng tới sản xuất lớn, trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp, "giảm thuốc, giảm phân", sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ theo tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, quy hoạch vùng trồng, chế biến sâu… để giảm giá thành, nâng chất lượng, bán được giá cao.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Balu Iyer- Tổng giám đốc Liên minh Hợp tác xã Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) nhấn mạnh: Mô hình Liên đoàn hợp tác xã khá phổ biến trên thế giới. Riêng tại châu Á - Thái Bình Dương, gần 50% thành viên của ICA là các liên đoàn hợp tác xã. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, có mô hình Liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp (Zen-Noh) với gần 500 hợp tác xã thành viên, doanh thu 4,59 nghìn tỷ Yen. Đó không chỉ là nơi phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn người nông dân mà còn làm marketing, giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường cho các hợp tác xã. Tuy nhiên, muốn thành lập Liên đoàn phải có sự thống nhất từ cấp Trung ương; có khuôn khổ pháp lý thúc đẩy cho hợp tác xã trong Liên đoàn hoạt động nhưng quan trọng nhất phải có nguồn nhân lực giỏi, tâm huyết để vận hành.

Theo Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tiến Định, việc lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long là để cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và đó là việc “cần phải làm”. Song, phải làm rõ Liên đoàn khác biệt gì với Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo vừa mới thành lập. Hơn nữa, cần làm rõ ở các nước có Liên đoàn Hợp tác xã thì có duy trì Liên minh (liên hiệp) hợp tác xã không, để thấy được sự nổi trội của mô hình này.

Tương tự, các đại biểu tham dự đều thống nhất cao tính thiết yếu của việc thành lập Liên đoàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần xem xét kỹ các yếu tố trong thành lập và hoạt động của mô hình. Qua đó, hạn chế những khó khăn trong hỗ trợ người dân sản xuất lúa gạo hoạt động hiệu quả, cũng như nghiên cứu để đề xuất những kiến nghị cụ thể. Bởi, thực tế tại Việt Nam, Liên đoàn Hợp tác xã là mô hình hoàn toàn mới nên cần xem xét kỹ các yếu tố trong thành lập và hoạt động của mô hình này để hạn chế những khó khăn trong hỗ trợ người dân sản xuất lúa gạo hoạt động hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục