Nhiều giải pháp hỗ trợ hợp tác xã phát triển bền vững

20:29' - 30/11/2023
BNEWS Chiều 30/11, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể đến làm việc với tỉnh Hậu Giang về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trưởng đoàn công tác, đánh giá sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại tỉnh Hậu Giang có tính chất bền vững. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các hợp tác xã phát triển, việc hỗ trợ được thực hiện đúng với quy định.

 

Trưởng đoàn công tác đề nghị Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; nghiên cứu, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thúc đẩy các hợp tác xã phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, những năm qua, lĩnh vực kinh tế tập thể, trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển ổn định, đóng góp vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã không ngừng được nâng cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, tổ hợp tác đang được phân phối tại các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Các mô hình hợp tác xã điển hình đã được nhân rộng, góp phần hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến; tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động tại địa phương.

Một số mô hình hợp tác xã đang hoạt động hiệu trên địa bàn tỉnh như: Hợp tác xã Kỳ Như hoạt động trong lĩnh vực thủy sản hiện có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao; Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu; Hợp tác xã Hậu Giang Xanh hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản...

Ngoài ra, tỉnh hiện có 10 nông sản chủ lực được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản; trong đó có 7 nhãn hiệu giao cho hợp tác xã quản lý và sử dụng; 26 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao (VietGAP, GlobalGAP, bón phân thông minh, truy xuất nguồn gốc...).

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có 736 tổ hợp tác với trên 11.000 thành viên; 269 hợp tác xã đang hoạt động với trên 4.800 thành viên; 4 liên hiệp hợp tác xã với 70 hợp tác xã thành viên tham gia.

Các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp chiếm 86,62%; lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 5,95%: lĩnh vực xây dựng chiếm 3,72%; lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 1,12%; lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 2,6%.

Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư hỗ trợ cho 15 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã với tổng kinh phí hỗ trợ trên 130 tỷ đồng, song song đó thực hiện nhiều chính sách về xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục