Nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các hợp tác xã nông nghiệp

12:32' - 24/11/2023
BNEWS Hợp tác xã phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, phát triển hợp tác xã nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong bối cảnh mới tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển hợp tác xã nông nghiệp, nhất là phát triển bền vững.

Theo bà Cao Xuân Thu, lâu nay nhiều người nói tới hợp tác xã là thấy yếu thế, nghèo về nhân lực, tài lực, kinh nghiệm. Nhìn nhận này cần thay đổi vì hợp tác xã có nhiều “cái giàu”: giàu tính cộng đồng, tình cảm, nguồn lực con người, kinh nghiệm... Tuy nhiên, cái yếu của hợp tác xã là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là yếu quản trị.

“Hợp tác xã phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, bà Cao Xuân Thu nhấn mạnh.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nông nghiệp bền vững phát triển hài hoà dựa trên 3 trụ cột: có sự tăng trưởng ổn định, lâu dài; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm sự công bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động nông nghiệp và không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thế hệ trong tương lai.

Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đỏi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã.

Ông Vũ Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các hợp tác xã nông nghiệp cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các hợp tác xã. Các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã qua các chương trình, đề án…

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, các hợp tác xã nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường.

“Đó chính là việc sử dụng hạn chế đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, là sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP hay các tiêu chuẩn thế giới nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Việc chế biến tiêu dùng cũng cần phải thay đổi. Các doanh nghiệp chế biến cũng phải đảm bảo những yêu cầu tiêu chuẩn chế biến, các tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ở góc độ thị trường, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm.

Điển hình như thị trường châu Âu (EU) đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động thực vật, các quy tắc về truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đóng gói, vận chuyển.

Theo bà Lê Việt Nam, với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn. Phát triển nông nghiệp bền vững giờ đây không còn là vấn đề khuyến khích, mà trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường xuất khẩu. Việt Nam muốn tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường thì không thể không quan tâm đến các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng ngày càng nhận nhận được sự quan tâm của xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục