Hỗ trợ trọng điểm để tái đàn lợn nhanh

08:35' - 17/05/2020
BNEWS Chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh phát triển nông nghiệp của Bắc Giang nhưng cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh gặp khó khăn về vốn, con giống… trong tái đàn lợn.

Trong bối cảnh đó, tỉnh đã có những chính sách kịp thời để khôi phục ngành hàng này với phương châm hiệu quả và an toàn.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh triển khai tái đàn từ rất sớm, tháng 8/2019, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai công tác phát triển chăn nuôi; trong đó có chăn nuôi lợn.

Bắc Giang cũng đã tổ chức hội nghị triển khai và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn các địa phương, trang trại, gia trại tuân thủ các quy trình, thủ tục chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hệ thống thú y hướng dẫn, tập huấn cho người dân thực hiện chăn nuôi an toàn, phòng tránh dịch bệnh.

Đến nay, Bắc Giang đã có tổng đàn lợn với 880.000 con, tăng 279.000 con so với thời điểm tổng đàn xuống thấp nhất là tháng 7/2019, đạt tỷ lệ khoảng 81,5% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch, cao hơn bình quân của cả nước.

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo ông Nguyễn Viết Toàn, cũng như nhiều địa phương khác, khó khăn lớn nhất đối với Bắc Giang chính là đàn lợn nái.

Tổng đàn lợn nái của tỉnh hiện có 67.200 con, tương đương còn khoảng 48% so với thời điểm trước khi bị dịch.

Do đó, việc sản xuất giống gặp nhiều khó khăn, con giống khá hiếm, giá lợn giống trên địa bàn tỉnh tăng rất cao, từ 2,5 – 3 triệu đồng/con, khó khăn cho tăng đàn, tái đàn.

Bên cạnh đó, khi giá lợn giống tăng cao, cộng với nguy cơ dịch bệnh vẫn còn thì rủi ro trong chăn nuôi cũng rất lớn.

Người chăn nuôi băn khoăn nếu giá lợn hơi xuống 50.000-60.000 đồng/kg, trong khi giá lợn giống hiện nay đang rất cao sẽ ảnh hưởng đến thu nhập.

Là trang trại chăn nuôi có liên kết với doanh nghiệp và không bị dịch tả lợn châu Phi, ông Thân Văn Hùng, ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên cho biết, ông có 600 nái và 2.500 lợn thịt. Với số nái trên, mỗi năm trại của ông sản xuất 15.000 lợn con.

Ngoài để tự nuôi, ông bán ra thị trường từ 4.000-5.000 con lợn giống mỗi năm. Trước đây, con giống sản xuất ra thường được tiêu thụ ngoài tỉnh, nhưng nay thị trường trong tỉnh cũng có nhu cầu cao nên ông chỉ bán ở trong tỉnh cũng không đủ cung cấp. Dự kiến từ nay đến Tết, trại của ông cung cấp thị trường 3.000 con giống.

Không được may mắn như trang trại của ông Hùng, ông Ngô Xuân Lương, Giám đốc Hợp tác xã giết mổ lợn sạch Tân Yên, Bắc Giang cho biết, có 8 thành viên, đợt dịch vừa qua hợp tác xã bị thiệt hại khoảng 70%, hiện hợp tác xã còn hơn 250 nái và 2.500 con lợn thịt.

Cũng như bao hộ chăn nuôi, nhu cầu con giống, vốn đang đè nặng khiến các thành viên hợp tác xã khó thúc đẩy tái đàn, tăng đàn.

Ông Lương kiến nghị, ngành nông nghiệp cần có chỉ đạo trực tiếp với các đơn vị cung cấp con giống cho các hợp tác xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các hộ được khoanh nợ, giãn nợ và được vay vốn ưu đãi lãi suất.

Hiện vốn vay rất khó khăn.  Hợp tác xã thế chấp sổ đỏ nhưng chỉ vay được 5-6 tháng lại phải đáo hạn, rất vất vả. Mỗi lần đảo sổ các hộ phải đi vay nóng, vay ngắn ngày. Thay vào việc phải đảo sổ, ngân hàng có thể kiểm tra tình hình sản xuất để kéo dài thời gian cho vay.

Với tâm lý của người trong cuộc, ông Lương cho biết, các hộ chăn nuôi rất lo lắng khi phát triển tái đàn lợn nếu không có chọn lọc, khi dịch tái phát sẽ rất nguy hiểm.

Do vậy, các chính sách hỗ trợ cần nhắm vào các trang trại chăn nuôi sinh học, công nghệ cao, trang trại đủ điều kiện về môi trường, phòng chống dịch, phương thức sản xuất,... không nên hỗ trợ dài trải, tránh tình trạng nông dân ồ ạt tái đàn rồi chẳng may xảy ra dịch bệnh.

Nhu cầu tái đàn đang rất cao nhưng Bắc Giang vẫn rất thận trọng. Ông Nguyễn Viết Toàn cho biết, các chính sách của tỉnh chủ yếu tập trung vào các trang trại, gia trại, đảm bảo điều kiện về chăn nuôi, an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh và không khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Do vậy, Bắc Giang tập trung hỗ trợ các trại nuôi giữ giống gốc, giống lợn nái ông bà và cung ứng lợn bố mẹ, đảm bảo phẩm cấp; tập trung vào hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh và xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn.

Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vẫn có thể tái phát, Bắc Giang chỉ khuyến khích các trang trại, gia trại không khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tỉnh hiện nay hầu như không vào đàn.

Các trang trại, gia trại nuôi có số lượng bằng những năm trước dịch và tiếp tục đầu tư mở rộng, tăng đàn nếu đảm bảo được các điều kiện an toàn.

Hiện nguồn cung lợn giống của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu do các trang trại, gia trại tự cung ứng bằng nguồn lợn nái của trang trại. Nguồn thứ hai là của các tập đoàn, công ty lớn, như: Công ty Hoà Phát, Dabaco.…

Tuy nhiên, việc chăn nuôi nội bộ cũng như liên kết theo chuỗi của doanh nghiệp chưa đáp đủ nên việc cung con giống ra ngoài còn nhỏ giọt.

Ông Nguyễn Viết Toàn nhận định, tình trạng khan hiếm con giống đối với Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung chỉ mang tính chất cục bộ. Việc tái đàn gặp phải khó khăn do thiếu giống và rủi ro còn cao.

Về lâu dài, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi thấy giá giống xuống, điều kiện chăn nuôi đảm bảo an toàn thì họ sẽ thực hiện tái đàn. Nhưng ở thời điểm này, tỉnh không khuyến khích tái đàn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Tạo nguồn vốn cho người dân chăn nuôi tái đàn, Bắc Giang đã ứng toàn bộ kinh phí ngân sách Trung ương để hỗ trợ kịp thời cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi năm 2019.

Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ tạo điều kiện về vốn tốt nhất cho hợp tác xã.

Ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn giống đảm bảo chất lượng; quan tâm cấp kinh phí thuộc chương trình giống Trung ương hỗ trợ Công ty cổ phần giống chăn nuôi của tỉnh mở rộng trại giống, ông bà.

Không chỉ Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng ghi nhận, nhiều tỉnh, thành phố đã có các chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ nông dân tái đàn lợn nhưng các địa phương vẫn cần giám sát, theo dõi chặt để đảm bảo tái đàn lợn nhanh nhưng an toàn, trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vẫn còn hiện hữu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục