Hòa Bình không để đất trống, đất hoang trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024

17:17' - 14/11/2023
BNEWS Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Hòa Bình phấn đấu diện tích gieo trồng hàng năm đạt 62 nghìn ha; trong đó, cây lương thực có hạt đạt 31,4 nghìn ha, đạt sản lượng khoảng 165.000 tấn.
Ngày 14/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023 – 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ nêu rõ nhiệm vụ đối với ngành nông nghiệp, xác định vụ Đông Xuân có diện tích gieo trồng và sản lượng lớn nhất cho cả năm, vì vậy các cấp, ngành, địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ, kiên quyết vận động người dân sản xuất trên mọi diện tích, không để đất trống, đất hoang.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, sản xuất vụ Hè Thu - vụ Mùa năm 2023 về cơ bản sản xuất diễn ra trong điều kiện khá thuận lợi, thời tiết khí hậu ổn định, nguồn nước tưới tiêu đảm bảo; phòng, trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát và ở mức an toàn; thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.

 
Cùng đó, sản xuất gắn với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản bước đầu đạt hiệu quả. Nhiều địa phương quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất, chủ động thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án trên địa bàn. Do đó, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ Mùa - Hè Thu, các chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng cây hàng năm của Hòa Bình đạt 46,5 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ và 4,4% kế hoạch. Cây ăn quả có múi hiện đạt 10,24 nghìn ha, diện tích hiện đang kinh doanh 9,2 nghìn ha; sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 21 vạn tấn, giá trị thu nhập bình quân khoảng 330 - 350 triệu đồng/ha/năm.

Trong năm, Hòa Bình thực hiện dồn điền đổi thửa khoảng 200 ha, tới hết năm 2023 ước đạt 4.600 ha. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả được 2.500 ha đất; tỷ lệ cơ giới hoá trên 90%. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường; toàn tỉnh có 71 cơ sở trang trại chăn nuôi gia cầm, 40 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt, 8 trang trại chăn nuôi bò vỗ béo. Hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, có 4.890 lồng cá. Từ đầu năm tới nay, trồng mới 9,3 nghìn ha rừng, đạt 167% so với kế hoạch.

Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Hòa Bình phấn đấu diện tích gieo trồng hàng năm đạt 62 nghìn ha; trong đó, cây lương thực có hạt đạt 31,4 nghìn ha, đạt sản lượng khoảng 165.000 tấn; cây có múi đạt sản lượng khoảng 230.000 tấn. Tiếp tục phát triển chăn nuôi tập trung trong trang trại, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nông thôn mới; phát triển lợi thế nuôi trồng thuỷ sản, đẩy mạnh thâm canh cá lồng, bè trên sông và hồ lớn.

Cùng với việc quản lý chặt cơ sở kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp và nguồn nguyên vật liệu giống đưa vào sản xuất cây con, ngành nông nghiệp khuyến khích doanh nghiệp sản xuất cây giống cung ứng cho kế hoạch trồng rừng năm 2024; đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi, tích và điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần chủ động cung ứng đủ số lượng, chủng loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; tăng cường chăm sóc phòng trừ sâu bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng màu và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Số lượng đàn vật nuôi cần duy trì và phát triển chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung trồng và chăm sóc rừng; duy trì độ che phủ rừng; đẩy mạnh thâm canh nuôi cá lồng trên sông và hồ lớn; thực hiện tái canh cây cam; chủ động phòng chống thiên tai góp phần đáp ứng yêu cầu sản xuất và đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục