Hòa Bình: Xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm

22:28' - 19/11/2024
BNEWS Tối 19/11, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ hội Cá Tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai năm 2024.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ nhấn mạnh, lễ hội với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp là quyền chủ sở hữu hai nhãn hiệu đặc sản "Tôm sông Đà Hòa Bình" và "Cá sông Đà Hòa Bình".

Từ đó xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hoà Bình. Đồng thời, thông qua các hoạt động của lễ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Hòa Bình nói chung, khu du lịch vùng hồ sông Đà nói riêng, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Hòa Bình.

 

Đến nay, hồ Hòa Bình trở thành hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích mặt nước lớn, chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản. Những năm qua thủy sản đã đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp; trong đó chủ yếu là nghề nuôi cá lồng trên sông Đà.

Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng cơ cấu lại ngành thủy sản. Tỉnh duy trì diện tích nuôi cá hồ chứa đạt 2.695 ha, số lồng nuôi cá 4.987 lồng, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác năm 2024 ước đạt 12.500 tấn. Sản phẩm cá, tôm sông Đà nổi tiếng khắp các tỉnh thành trong cả nước, đã tạo nguồn thu lớn cho tỉnh và nhân dân, doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác thủy sản trên dòng sông Đà.  

Đặc biệt là Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được quy hoạch là một trong 12 khu du lịch Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với lợi thế tỉnh Hòa Bình có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu nhất là nền văn hóa Mường (nền văn hoá Hoà Bình của người Mường cổ); văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng, có nhiều địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng giàu tiềm năng... Qua đó, tỉnh Hòa Bình đã phát huy tiềm năng sẵn có, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho phát triển kinh tế địa phương.

Tại buổi lễ, đã diễn ra nội dung đấu giá sản phẩm cá đặc sản hồ Hòa Bình được nuôi trồng tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Kết quả, cá tầm thương phẩm có trọng lượng trên 45 kg của Công ty TNHH Thủy sản Hải Đăng có giá khởi điểm là 20 triệu đồng và được người mua với giá 150 triệu đồng; cá chiên thương phẩm có trọng lượng 25 kg của Công ty TNHH Thủy sản và Dịch vụ Cường Thịnh có giá khởi điểm là 25 triệu đồng và được người mua với giá 105 triệu đồng. Toàn bộ số tiền thu được thông qua đấu giá sẽ được 2 công ty mua cá giống thả xuống lòng hồ thủy điện Hòa Bình nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản ở môi trường tự nhiên và tri ân dòng sông Đà đã phù giúp cho người dân, doanh nghiệp trong những năm vừa qua.

Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai năm 2024 sẽ kết thúc vào ngày 23/11/2024./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục