Hóa giải thách thức cho ĐBSCL bằng thể chế và liên kết vùng

18:19' - 12/12/2023
BNEWS Ngày 12/12, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.

Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công nhận định, với chủ đề “Thể chế, liên kết vùng”, Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 rất có ý nghĩa và phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình cải cách.

 

Kết quả nghiên cứu Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2023 đã khẳng định cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Chủ tịch VCCI mong muốn kết quả nghiên cứu của báo cáo năm nay sẽ đóng góp thiết thực cho quá trình hoàn thiện pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới, cung cấp thông tin hữu ích cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành; đồng thời, là tài liệu quan trọng để các cơ quan quản lý cấp địa phương tham khảo trong quá trình thực hiện chính sách.

Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 do VCCI phối hợp với Trường Đại học Fulbright thực hiện. Trong năm thứ ba tổ chức công bố báo cáo (hai báo cáo trước được công bố năm 2020 và 2022), nhóm nghiên cứu đã chọn chủ đề về “Thể chế, liên kết vùng” là hướng nghiên cứu chính.

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu, thể chế, quản trị và liên kết vùng được xác định là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long trong hiện tại và dài hạn. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực giàu tiềm năng nhưng lại đang đi chậm lại so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nếu như hai thập niên trước, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%.

So với Thành phố Hồ Chí Minh, nếu như vào năm 2000, GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ nhỉnh hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long một chút, thì đến nay, GRDP của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ xấp xỉ 3/4 so với Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của vùng đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình Đồng bằng sông Cửu Long đã thấp hơn so với cả nước.

Theo báo cáo, 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư – kinh doanh và cơ chế quản trị – hợp tác – liên kết vùng.

Giám đốc VCCI Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Phương Lam cho biết, để giải quyết 6 nhóm nguyên nhân nói trên, hướng đến tháo gỡ một trong những mắt xích của 3 vòng xoáy kinh tế - xã hội – môi trường để tạo vòng xoáy đi lên, Đồng bằng sông Cửu Long đang cần nhận diện các điểm nghẽn hay nút thắt của thể chế, quản trị và mối liên kết hợp tác vùng.

Theo ông Lam, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tập hợp hơn 30 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia biên soạn trong suốt một năm qua nhằm cung cấp một kết quả nghiên cứu khách quan để tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan Quốc hội, chính quyền các địa phương.

Báo cáo được ra mắt trong bối cảnh các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương; đồng thời, Vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt. Có như thế, Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 13-NQ-TW đề ra.

Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Patrick Haverman nhận xét, Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2023 đã phân tích xu hướng năng suất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, môi trường kinh doanh, xu hướng tài chính và đầu tư, thị trường nội địa, thương mại quốc gia, xuất nhập khẩu và đặc biệt là thể chế; những hạn chế và khuyến nghị chính sách liên quan. UNDP cũng đã có những đóng góp cho sự phát triển của Báo cáo, đặc biệt bằng việc chia sẻ tư vấn chính sách về phát triển tổng hợp và kinh nghiệm quốc tế về quản trị nguồn nước.

Trong khi đó, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá, bản báo cáo với những phân tích toàn diện và thức thời, là tư liệu quan trọng giúp hiểu hơn về động lực kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long. Việc bao hàm dữ liệu từ năm 2022 và 2023 cung cấp bức tranh sinh động và phù hợp về tình hình kinh tế của vùng.

Chủ tịch AmCham Việt Nam cũng đánh giá cao cách tiếp cận dựa trên dữ liệu của báo cáo và cách trình bày thông tin. Điều này giúp người đọc dễ dàng hiểu biến động theo phần trăm và nắm bắt xu hướng quá khứ và tương lai. Việc bao gồm các số liệu gốc tăng thêm độ tin cậy cho báo cáo.

Ông John Rockhold cho rằng, điểm nổi bật của báo cáo là tập trung vào góc nhìn thực tiễn của việc hợp tác khu vực, thông tin này rất quan trọng đối với các bên liên quan như AmCham.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục