Hòa Phát ứng phó với khoản lỗ lớn năm 2022

12:13' - 31/01/2023
BNEWS Hòa Phát nhìn nhận năm 2022 như một cơ hội thử thách sức bền và điều chỉnh chính sách quản trị để thích nghi
Năm 2022 vừa qua, doanh thu quý của Hòa Phát đạt cao nhất vào quý I/2022 và giảm dần từng quý đến cuối năm. Nhiều diễn biến bất lợi trong năm qua đã khiến tập đoàn này đạt doanh thu giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm. Trước tình hình kinh doanh khó khăn đến từ nhiều yếu tố khách quan, Tập đoàn đang siết chặt quản trị hơn để duy trì năng lực tài chính nội tại, đảm bảo các dự án quan trọng vẫn được triển khai đúng tiến độ nhằm bắt kịp nhu cầu thị trường.
*Diễn biến bất lợi
Diễn biến đầu năm nóng, nguội dần và đóng băng vào cuối năm của ngành bất động sản là nguyên nhân chính gây sụt giảm về tiêu thụ và giá bán thép xây dựng dẫn đến doanh thu thép giảm dần trong năm 2022.
Thị trường bất động sản Việt Nam khởi động khá hưng phấn vào đầu năm 2022, tuy nhiên đột ngột đảo chiều vào giữa quý II/2022 và rơi vào cảnh trầm lắng kéo dài đến hết năm do nhiều khó khăn chưa tháo gỡ được về dòng vốn, gây hệ quả là sự sụt giảm rõ rệt về cả cầu và giá bán thép xây dựng, một trong những sản phẩm chủ lực hiện tại của Hòa Phát với tỷ trọng hơn 70% tiêu thụ nội địa.
Tiêu thụ thép thị trường Việt Nam nói chung và Hòa Phát nói riêng chỉ đạt cao nhất trong quý I và giảm đi trong ba quý sau. Giá thép xây dựng có 19 nhịp điều chỉnh giảm gần như liên tiếp với tổng biên độ rơi hơn 4,2 triệu đồng/tấn, tương ứng với 25% giá trước giảm.
"Đây là nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến giảm dần của doanh thu tập đoàn giữa các quý 2022", báo cáo của Hòa Phát cho hay.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu chính leo dốc đột biến do khủng hoảng từ xung đột địa chính trị khiến giá vốn hàng bán chịu nhiều áp lực. Giá than luyện cốc, một trong hai nguyên liệu chính của luyện thép bằng lò cao đã tăng lên gấp 3 lần thông thường vào hai đợt đỉnh điểm là tháng 3 và 5/2022 và vẫn duy trì cao hơn mức giá năm 2021 khoảng 1,5 lần trong suốt năm 2022.
Tiêu thụ thép chậm do cầu yếu làm kéo dài hơn vòng luân chuyển nguyên vật liệu khiến cho lượng than mua với giá cao nhất được hấp thụ lâu hơn trong quý III/2022 và tiếp tục đi vào giá thành của quý IV/2022. Đồng thời, trong quý IV/2022, công suất sản xuất thép của các nhà máy được tập đoàn tạm thời hạ xuống để phù hợp với nhu cầu thị trường đang kém, một mặt giúp giảm áp lực duy trì tồn kho giá cao cho những quý sau, nhưng mặt khác lại làm tăng thêm tỷ trọng khấu hao và các định phí khác trong cơ cấu giá thành sản phẩm quý này ở một mức độ nhất định.
Ngoài ra, cuối năm 2022, đầu 2023, tuy giá thép đã có một vài nhịp điều chỉnh tăng nhẹ, nhưng do đã giảm sâu trước đó cùng với giá thành sản xuất vẫn cao, Hòa Phát vẫn tiếp tục phải trích lập thêm dự phòng hàng tồn kho 343 tỷ đồng, nâng tổng số dự phòng này lên hơn 1,2 nghìn tỷ vào thời điểm kết thúc năm tài chính. Điều này làm gia tăng thêm gánh nặng cho giá vốn hàng bán vốn đã cao kỳ này. So với quý III/2022, doanh thu hợp nhất quý IV/2022 đã giảm 24% trong khi giá vốn chỉ giảm 19% khiến cho lợi nhuận gộp bị hụt sâu, giảm hơn 1.880 nghìn tỷ đồng từ hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn âm hơn 880 tỷ đồng.
Ở góc độ khác, tỷ giá USD nâng lên ngay từ tháng 3/2022 và bắt vào đà tăng mạnh liên tục đến hết tháng 11/2022, đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây. Với đặc thù nguồn nguyên liệu đến chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa, đồng thời vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, Hòa phát luôn luôn phải trả USD ròng.
Điều đó đồng nghĩa với rủi ro cao về lỗ chênh lệch tỷ giá. Quý IV/2022 ghi nhận lãi ròng về chênh lệch tỷ giá hối đoái là 361 tỷ, tuy nhiên chưa đủ để bù đắp lại lỗ ròng về chênh lệch tỷ giá của quý II và III với hơn 1.000 tỷ đồng mỗi quý. Tổng cả năm 2022, Hòa Phát lỗ ròng chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện hơn 1,86 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2022, lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm, lên cao nhất trong 15 năm kể từ 2007 trở lại đây. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Việt Nam được thực hiện với độ trễ khá dài khi duy trì lãi suất VND ở mức dễ chịu trong 6 tháng đầu năm 2022 và chỉ bắt vào đà tăng mạnh trong 6 tháng còn lại. Trong khi lãi vay và dư nợ năm 2021 tương đồng do lãi suất ổn định, có thể thấy sự biến động ngược chiều của hai chỉ tiêu này từ quý II/2022 khi dư nợ được giảm đi nhưng lãi vay vẫn tăng đều qua từng quý. Chi phí lãi vay quý IV/2022 là 933 tỷ đồng, tăng 30% trong khi dư nợ vay đã hạ xuống 17% so với quý II/2022 là thời điểm dư nợ vay tập đoàn ở mức cao nhất
*Chủ động ứng phó
Với những tác động trên, báo cáo tài chính mới đây của Hòa Phát cho thấy, quý IV/2022 doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 26.212 tỷ đồng, giảm 18.836 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là âm 1.999 tỷ đồng, giảm 9.418 tỷ đồng, tương ứng giảm 127% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả năm 2022, doanh thu hợp nhất đạt 142.771 tỷ đồng, giảm 8.095 tỷ đồng, tương ứng giảm 5% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, giảm 26.077 tỷ đồng, tương ứng giảm 76% so với năm 2021.
Những sóng gió đã kéo lùi mức tăng trưởng của toàn ngành thép trong 3 quý còn lại của năm 2022, đặc biệt là quý III và quý IV. Biên lợi nhuận gộp của tập đoàn diễn biến đi xuống với tốc độ nhanh từ 23% trong quý I/2022 xuống còn âm 3% trong quý IV/2022. Biên lợi nhuận thuần giảm từ 18% xuống còn âm 8%.
Kể từ năm 2008, đây là lần thứ hai Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận gộp hợp nhất quý âm và là lần thứ ba ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất quý. Sự khác biệt lớn trong kết quả kinh doanh các quý đến từ sự thay đổi nhanh chóng của điều kiện thị trường trong năm.
Dù vậy “Hòa Phát nhìn nhận năm 2022 như một cơ hội thử thách sức bền và điều chỉnh chính sách quản trị để thích nghi”, Bản tin mới công bố của Hòa Phát đánh giá.
Để vượt khó, tập đoàn này chủ động điều chỉnh dư nợ vay về ngưỡng an toàn khi lãi suất tăng cao. Hòa Phát chủ trương kết hợp thắt chặt quản trị hàng tồn kho để hạ dư nợ vay vốn lưu động xuống đáng kể. Tổng nợ vay cuối năm 2022 đã giảm hơn 12.000 tỷ đồng so với 30/6/2022 để tránh phát sinh gánh nặng về chi phí đi vay quá lớn trong 6 tháng cuối năm.
Cùng đó, cân đối lại tỷ trọng nợ vay nước ngoài để giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Trong điều kiện tỷ giá biến động quá lớn, đồng thời lãi suất vay USD tăng nhanh, trong 6 tháng cuối năm 2022, tập đoàn đã hạ dư nợ vay nước ngoài từ 1,3 tỷ vào 30/6/2022 xuống còn hơn 700 triệu USD vào cuối năm 2022. Tỷ trọng vay USD trong tổng nợ vay theo đó cũng giảm từ 44% xuống còn 29%.
Để giảm gánh nặng vốn lưu động và cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, tồn kho của Hòa Phát cuối năm 2022 giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây. So với mức cao tại cuối tháng 6/2022, tổng số dư hàng tồn kho tập đoàn này đã giảm 22.590 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 40%. Quý III/2022, tập đoàn đã điều chỉnh cơ cấu hàng tồn kho để tỷ trọng nguyên vật liệu giảm xuống nhằm giảm gánh nặng về vốn lưu động và chi phí tài chính.
Nhờ đó, mặc dù lợi nhuận kinh doanh của năm 2022 là 19,2 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 25 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, tuy nhiên, sau khi tính đến việc cải thiện dòng tiền vốn lưu động, khoảng cách này giữa dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của năm 2022 so với năm 2021 được thu hẹp lại còn hơn 15,4 nghìn tỷ đồng.
Đầu năm 2023, xuất khẩu thép đón tín hiệu tốt với nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc như: Mỹ, Canada, Mexico, Puerto Rico, Australia, Malaysia,  Campuchia…Các lĩnh vực kinh doanh khác như điện máy gia dụng, nông nghiệp và bất động sản có những dấu ấn nhất định. Trong đó Hòa Phát đã chính thức đưa nhà máy sản xuất điện máy gia dụng tại Hà Nam vào hoạt động, ra mắt sản phẩm máy lọc nước, máy làm mát không khí. Với mảng nông nghiệp, tập đoàn dẫn đầu về sản lượng cung cấp trứng gà sạch tại miền Bắc. Bất động sản khu công nghiệp của Hòa Phát liên tục đón nhận các nhà đầu tư thuê đất, mở rộng nhà xưởng.
Với quy trình sản xuất thép từ quặng theo công nghệ lò cao hiện đại, khép kín, Hòa Phát cung cấp đa dạng mác thép, các sản phẩm thép của Hòa Phát đạt chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục