Hoàn thiện Bộ tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử

16:14' - 05/12/2023
BNEWS Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử là công cụ quan trọng giúp chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử định hình và phát triển những giá trị này.

Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết: Trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Công Thương ban hành năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử và đang tiếp tục nhận đóng góp ý kiến để hoàn thiện.

 

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự độc đáo và đổi mới không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở cách thức doanh nghiệp tương tác và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử là công cụ quan trọng giúp chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử định hình và phát triển những giá trị này.

 

Cụ thể, Dự thảo bộ tiêu chí tập hợp nhiều quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử, giao dịch đặc thù cũng như quy tắc ứng xử, chính sách, tập quán thương mại tích cực được đúc kết từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, chủ thể tham gia thương mại điện tử.

Bộ tiêu chí xây dựng nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam đối với người tiêu dùng. Từ đó, xác định các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

350 tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thương mại điện tử vì người tiêu dùng.

Cũng theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử gồm trên 350 tiêu chí đánh giá, được chia thành 5 phần. Cụ thể gồm: tiêu chí đánh giá chung việc tuân thủ pháp luật và thực hiện chính sách đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng tại doanh nghiệp; tiêu chí cơ bản đánh giá mức độ đảm bảo quyền của người tiêu dùng; tiêu chí bổ sung đánh giá mức độ đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng; tiêu chí đánh giá kết quả, định hướng tuân thủ pháp luật, thực hiện chính sách đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng tại doanh nghiệp và nội dung khác.

Bộ tiêu chí gồm nhiều chỉ tiêu cụ thể và thang điểm được thiết kế để các chủ thể tham gia thương mại điện tử có thể lựa chọn, áp dụng một số tiêu chí nhất định trên cơ sở phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh.

Chẳng hạn như đối với tiêu chí đánh giá trách nhiệm sàn thương mại điện tử trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, dự thảo đưa ra tiêu chí chính là xây dựng, công bố chính sách bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; thu thập thông tin cá nhân người tiêu dùng; sử dụng thông tin của người tiêu dùng; lưu trữ, xử lý thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng; kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ, chuyển giao, ngừng chuyển giao thông tin của người tiêu dùng; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng.

Trong tiêu chí thu thập thông tin cá nhân người tiêu dùng, sàn thương mại điện tử có/không thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, thời hạn lưu trữ thông tin của người tiêu dùng trước khi tiến hành thu thập. Doanh nghiệp có/không thiết lập phương thức rõ ràng để người tiêu dùng lựa chọn phạm vi thông tin đồng ý cung cấp và bày tỏ sự đồng ý hoặc không đồng ý.

Đối với tiêu chí sử dụng thông tin của người tiêu dùng, sàn thương mại điện tử có/không thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi sử dụng thông tin, thời hạn lưu trữ thông tin của người tiêu dùng trước khi sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Sàn thương mại điện tử có/không có cơ chế riêng để người tiêu dùng được lựa chọn cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin cá nhân trong trường hợp sử dụng thông tin để gửi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có tính thương mại khác. Cùng đó, có/không có cơ chế riêng để người tiêu dùng được lựa chọn cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin cá nhân của họ trong trường hợp chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho một bên thứ ba.

Đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cũng chỉ ra rằng, thương mại điện tử đang trở thành một trong những phương thức mạnh mẽ để doanh nghiệp bước vào kỷ nguyên số. Bên cạnh sự tăng trưởng bùng nổ, đột phá về số lượng và giá trị các giao dịch trực tuyến, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng gia tăng. Số lượng phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử cũng đang có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng số đơn, thư, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng được gửi đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Đáng lưu ý, các vấn đề bị phản ánh, khiếu nại tương đối đa dạng như: số lượng, chất lượng hàng hóa nhận được không đúng với thông tin được quảng cáo, cam kết trên sàn giao dịch thương mại điện tử; người bán không thực hiện đúng chương trình khuyến mãi, trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện như đã công bố; người bán không cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ giao dịch cho người tiêu dùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục