Hoàn thiện chính sách huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn

17:46' - 26/11/2021
BNEWS Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện, nhiều mặt đã phát triển ngang bằng và vượt các nước trong khu vực ASEAN.

Góp phần vào thành tựu này có phần đóng góp quan trọng từ kết quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thông tin này được ông Nguyễn Duy Hưng-Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo TW tổng kết Nghị quyết 26 nhấn mạnh tại hội thảo Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức chiều 26/11 tại Hà Nội.                   

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch COVID-19. Tuy vậy, khu vực này vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Vì vậy, để phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, biến thách thức thành thời cơ, trong thời gian tới công tác thể chế, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nghiệp nông thôn là hết sức nặng nề; đòi hỏi phải đánh giá đúng tình hình, đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, có tính khả thi.

Do đó, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng rất cần có sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học về các lĩnh vực, nhất là việc thực hiện các chủ trương huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 khẳng định: Trong các thời kỳ phát triển của đất nước, nhất là thực tiễn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và tái cơ cấu nền kinh tế những năm tới, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng chỉ ra rằng: Tại các Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đều nêu rõ các yêu cầu và mục tiêu cụ thể.

Chẳng hạn như việc đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn công nghiệp chế biến nông sản, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững với tỷ lệ giá trị nông sản đạt hơn 30%, tăng tỷ trọng kinh tế số trong nông nghiệp đạt tối thiểu 10%...

“Để đạt được mục tiêu và yêu cầu này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và cấp thiết”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Mặc dù các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh đã bước đầu hình thành nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, việc phát triển chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đang gặp nhiều bất cập, tồn tại và khó khăn. Nhiều địa phương chưa xác định sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, có tình trạng sản xuất theo phong trào.

Hơn nữa, các bộ, ngành và địa phương đã có quy hoạch sản phẩm nông sản nhưng chưa có quy hoạch cụ thể phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh…

Vì vậy, nhằm phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số cần sớm sửa đổi Luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn. Bởi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản.

Mặt khác, Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế  và ban hành chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã chuyên ngành sản xuất sản phẩm nông sản quy mô lớn, phát triển bền vững…

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chồng chéo, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Hơn nữa, việc bố trí vốn đầu tư chưa thật hợp lý, chưa gắn phân cấp với tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện và hiệu quả đầu tư dự án.

Do vậy, theo ông Nguyễn Thanh Dương, thời gian tới việc cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cần được các cơ quan chức năng tiếp tục cắt giảm một cách thực chất theo hướng tích hợp điều kiện đầu tư kinh doanh với việc xác định quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, mỗi ngành nên chỉ có 1 bộ thủ tục hành chính; giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến thuế, phí, lệ phí, chế độ kế toán.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện thể chế đầu tư công, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tái cơ cấu vốn đầu tư công và quản lý đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đổi mới cơ chế huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chung sức đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có chất lượng cao, thương hiệu lớn vươn ra biển lớn thành công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục