Hoàn thiện thể chế thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử

12:35' - 29/05/2020
BNEWS Mục tiêu 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đến năm 2025 sẽ được hoàn thiện từng bước dưới sự hướng dẫn của đơn vị chức năng với các doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phải hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và giải pháp triển khai chương trình này trong thời gian tới để phù hợp với thực tiễn và đạt hiệu quả tích cực.

Phóng viên: Mới đây, Chính phủ đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, xin ông cho biết ý nghĩa của kế hoạch này với sự phát triển ngành thương mại điện tử hiện nay?
Ông Đặng Hoàng Hải: Kế hoạch tổng thể thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 với vai trò là một văn bản chính sách mang tính định hướng vĩ mô.
Cùng với đó, kế hoạch này còn đưa ra những quan điểm và mục tiêu phát triển lớn cho lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm.
Cụ thể là những mục tiêu về hạ tầng, quy mô thị trường thương mại điện tử đến mức độ ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Song hành với các mục tiêu này là những giải pháp mang tính tổng quan, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương trên cả nước nhằm phát triển hài hòa mọi khía cạnh của lĩnh vực thương mại điện tử cũng như các dịch vụ hỗ trợ ngoại biên.
Phóng viên: Với mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025 tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải đạt từ 50-70% giao dịch mua hàng trên website ứng dụng thương mại điện tử có hoá đơn điện tử, theo ông, để đạt được mục tiêu này doanh nghiệp sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Ông Đặng Hoàng Hải: Có thể nói, hóa đơn điện tử là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Việc chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. Bộ Công Thương cho rằng, đây không phải là mục tiêu khó thực hiện.
Trước đó, ngày 12/9/2018 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này.
Chính vì vậy, mặc dù không quy định bắt buộc 100% doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử phải sử dụng hóa đơn điện tử nhưng các văn bản quy phạm pháp luật cho phép các doanh nghiệp thương mại điện tử được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và có nghĩa vụ đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy.
Với những quy định hiện hành về việc áp dụng hóa đơn điện tử, cùng với các chính sách, giải pháp khuyến khích trong Kế hoạch tổng thể, mục tiêu 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đến năm 2025 mặc dù khó khăn nhưng sẽ được hoàn thiện từng bước dưới sự hướng dẫn của đơn vị chức năng với các doanh nghiệp.
Phóng viên: Mặc dù thương mại điện tử ngày càng nở rộ khi có nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng người tiêu dùng vẫn không khỏi nghi ngờ về chất lượng dịch vụ trước tình trạng vi phạm, chất lượng hàng hoá thấp, nên tỷ lệ thanh toán qua thu tiền hộ (COD) vẫn cao. Ông nhìn nhận về thực trạng này thế nào?
Ông Đặng Hoàng Hải: Theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2016 – 2019 có 80% người dân khi được hỏi đều cho biết ưu tiên lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt được hoàn thiện và luôn sẵn sàng phục vụ nhưng người tiêu dùng còn thiếu lòng tin khi mua hàng trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như lừa đảo qua mạng, tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới. Do đó, để nâng cao lòng tin người tiêu dùng, Kế hoạch tổng thể đã đưa ra những giải pháp cụ thể dài hạn trong 5 năm.
Riêng trong năm 2020, Bộ Công Thương được giao là đơn vị đầu mối chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Nghị định mới này dự kiến sẽ bổ sung một số quy định mới về thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử cũng như thông tin, xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, nghiệp vụ về quản lý thị trường trong thương mại điện tử ngày càng được nâng cao.
Năm 2020, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã thành lập Tổ công tác chuyên trách về thương mại điện tử. Đây cũng là điểm mới thể hiện sự quyết tâm về đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm mua sắm trên mạng.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh?
Ông Đặng Hoàng Hải: Về cơ bản, việc ứng dụng thương mại điện tử đã được phổ cập trong doanh nghiệp nhưng khó khăn của doanh nghiệp vẫn tập trung ở việc tạo lòng tin và thu hút người mua hàng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp gặp phải trở ngại này khi ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh.
Hơn nữa, cạnh tranh của doanh nghiệp thương mại điện tử cũng ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp thu hút và tạo lòng tin người dùng bằng cách thực hiện các chính sách riêng.
Điều này thể hiện qua việc miễn phí vận chuyển, giảm giá sâu, chính sách đổi –trả hàng, tích điểm khi mua hàng. Những hình thức trên thực chất cần rất nhiều chi phí đầu tư của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp cần trang bị kế hoạch đầu tư hợp lý cũng như có chiến lược cụ thể để sử dụng nguồn vốn phù hợp cho kế hoạch lâu dài. Mặt khác, doanh nghiệp còn phải thực hiện các biện pháp đổi mới sáng tạo trong công nghệ, tạo nét riêng và nâng cao cạnh tranh.
Phóng viên: Để hoàn thiện cơ chế chính sách về thương mại điện tử, xin ông cho biết Bộ Công Thương sẽ triển khai kế hoạch hành động như thế nào cho phù hợp với thực tiễn?
Ông Đặng Hoàng Hải: Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020 đang trong giai đoạn kết thúc, đây là giai đoạn quan trọng để thương mại điện tử phát triển trong 5 năm tới.
Đáng lưu ý, giai đoạn 2016-2020 đã có 60/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tại địa bàn, với các mục tiêu và nội dung triển khai bám sát nội dung của Kế hoạch tổng thể. Điều này thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng, nhất trí thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển trên phạm vi cả nước.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ thực hiện việc hướng dẫn các tỉnh, thành phố, bám sát mục tiêu phát triển chung của kế hoạch, đảm bảo hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trong cả nước; tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; đảm bảo mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử.
Đặc biệt, Bộ còn tiến hành đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới và trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á./.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục