Thời điểm vàng cho thương mại điện tử

09:52' - 01/05/2020
BNEWS Đến cuối tháng 3/2020, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đã đạt con số nửa triệu và liên tục đứng đầu Đông Nam Á và ở Top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về số lượng tên miền duy trì để sử dụng.

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tính đến cuối tháng 3/2020, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đã đạt con số nửa triệu và liên tục đứng đầu Đông Nam Á và ở Top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về số lượng tên miền duy trì để sử dụng.

Đây là dấu mốc quan trọng của hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam khi các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng một trang bán hàng trực tuyến với định hướng phát triển thương hiệu.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa được khống chế hoàn toàn, nhu cầu mua sắm trực tuyến càng nổi lên mạnh mẽ thay cho các dạng thức mua bán truyền thống. Đây chính là cơ hội tốt, thời điểm vàng để các doanh nghiệp tận dụng và phát triển thương mại điện tử trên môi trường kinh tế số như hiện nay.

Thương mại điện tử hay còn gọi là hoạt động mua bán trực tuyến xuất hiện tại Việt Nam từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20 và trở nên phổ biến từ năm 2005 bởi sự tham gia của tầng lớp tri thức, giới trẻ sống tại khu vực thành thị.

Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ và phát huy rõ nét những lợi thế trong giai đoạn dịch bệnh khi toàn nền kinh tế bị buộc phải “đóng băng” để giãn cách xã hội và giữ khoảng cách an toàn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), những năm gần đây thương mại điện tử ở Việt Nam đã phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng cao với quy mô giao dịch trực tuyến gần chạm mốc 10 tỷ đô la Mỹ (USD).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM cho biết, hoạt động mua bán trực tuyến chỉ mới tương đối phổ cập ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời chiếm khoảng 70% tổng số giao dịch thương mại điện tử của cả nước.

Trong khi đó, các tỉnh, thành phố năng động liền kề như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương hay những thành phố lớn trực thuộc Trung ương gồm Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ…. hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn còn rất yếu. Đó là chưa kể ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…, việc kinh doanh thương mại điện tử còn là điều xa lạ.

Có thể thấy, bên cạnh sự phát triển về thương mại điện tử của các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp còn nổi lên các nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử, các trang bán hàng trực tuyến như Lazada, Sendo, Tiki, Shopee, Adayroi, Vật giá… hay ở từng lĩnh vực như Thế giới di động, Điện máy xanh, FPT, Now, Foody…

Cùng với đó là sự lớn mạnh không ngừng của các đơn vị giao nhận hàng hóa; cung cấp dịch vụ mua bán hàng hóa từ nhà sản xuất, nhà cung cấp và chuyển tới tận tay người tiêu cùng như: Aha, Lala, HeyU, Săn ship hay các công ty chuyển phát nhanh…; trong đó, kể cả các hãng vận chuyển như Bee, Grab… cũng góp mặt.

Kế đó, là các giải pháp thanh toán trực tuyến, ví điện tử như MoMo, Airpay, VnPay, Paypal… hay các trung gian tài chính là các tổ chức tín dụng ngân hàng cùng tham gia bảo lãnh và cung cấp dịch vụ. 

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội ghi nhận, không chỉ ở thời điểm này mà trước đây việc mua sắm trực tuyến đã được người dân rất quan tâm và hưởng ứng. Tỷ lệ đơn hàng và giao dịch trực tuyến, vận chuyển hàng hóa tới khách hàng chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu của hệ thống siêu thị.

Ở thời kỳ dịch bệnh, người dân lại càng nhận thức rõ ràng hơn những lợi thế của việc sử dụng công nghệ trong hoạt động mua sắm, không chỉ thuận tiện, nhanh chóng mà còn đảm bảo yêu cầu an toàn khi giãn cách xã hội.

Thêm vào đó, mua sắm trực tuyến còn giúp người dân hạn chế việc sử dụng tiền mặt, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro trong mua sắm hay tâm lý mua hàng theo số đông, ông Phú cho biết.

Trong bối cảnh dịch bệnh, người bán hàng và các doanh nghiệp đều đã nhận thức ra rằng, không còn là lúc phải bày hàng ra vỉa hè hay phải lo thuê địa điểm, mặt bằng để kinh doanh… Tất cả mọi vấn đề về chi phí, về nhân công lao động và dịch vụ đều được giải quyết bằng thương mại điện tử.

Tiết giảm được những khoản chi ấy, người bán hàng, nhà cung cấp hay các doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để hạ giá thành sản phẩm, nâng tính cạnh tranh cho hàng hóa và tiếp tục đầu tư thêm cho chất lượng, mẫu mã và các thuộc tính cao cấp hơn cho sản phẩm, ông Phú nhấn mạnh.

Bà Lê Hương Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tin học An Phát cho hay, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, để thực hiện các quy định và yêu cầu của ngành y tế và chính quyền thành phố Hà Nội, doanh nghiệp buộc lòng phải tạm thời “đóng cửa”; đồng thời, chuyển hướng cung cấp hàng hóa, dịch vụ tới khách hàng thông qua hình thức trực tuyến.

Theo đó, việc chào hàng, quảng bá và tư vấn khách hàng hay chốt đơn bán hàng đều được thực hiện qua mạng. Khâu đoạn vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng hay việc thanh toán đều do các đối tác trung gian đảm nhiệm với sự tín nhiệm cao.

Chỉ sau vài tháng triển khai, doanh nghiệp đã “tiết giảm” được không ít chi phí, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung về tài chính và thị trường như hiện nay.

Qua thực tiễn, bà Giang cho biết, xu hướng chung là người dân tỏ ra “thích thú” với hình thức mua sắm qua mạng. Nó không chỉ thuận tiện, đơn giản mà còn văn minh trong xu thế hiện đại ngày nay. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đang thích nghi với xu hướng số hóa của nền kinh tế, một cách rất tự nhiên và hiệu quả thu lại cũng rất nhanh chóng, rõ ràng.

Tuy nhiên, để tạo thành một vòng tròn giao dịch hoàn hảo, đem lại lợi ích nhiều mặt cho tất cả các bên tham gia vẫn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa các mắt xích trong chuỗi thương mại điện tử.

Hơn thế, Nhà nước nên thực sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này. Công nghệ là câu chuyện lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương cũng như sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và toàn dân.

Cùng chung quan điểm, ông Vũ Vinh Phú điểm qua một số vấn đề còn hạn chế trong hoạt động mua sắm trực tuyến hiện nay như: người dân vẫn mua sắm trực tuyến nhưng thanh toán bằng tiền mặt; việc giao nhận hàng hóa vẫn phụ thuộc vào yếu tố thời gian, địa điểm… nên gây không ít phiền phức, khiếu nại và khó đạt được sự hài lòng của khách hàng.

Vẫn có tình trạng, người dân thiếu niềm tin khi mua hàng qua mạng bởi những trải nghiệm bị nhà cung cấp hay đơn vị bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó” đã giao tới những sản phẩm không giống với thông tin quảng cáo trên mạng.

Đó là chưa kể các yếu tố khác như đường truyền Internet thường không ổn định; các sàn giao dịch thương mại điện tử còn nhiều khiếm khuyết hay quy định bất lợi đối với khách hàng và vẫn thiếu các đơn vị bảo lãnh hay các cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết khiếu kiện, tranh chấp giữa khách hàng với doanh nghiệp, nhà cung cấp khi phát sinh vấn đề bất đồng trong thương mại điện tử….

Trước những bất cập nêu trên, TS. Nguyễn Việt Liên Hương, Chuyên gia kinh tế bày tỏ, đúng là đang ở thời điểm vàng của thương mại điện tử khi người dân bắt đầu quen thuộc với hình thức mua sắm trực tuyến cũng như các giải pháp công nghệ về thanh toán, về vận chuyển...

Tuy nhiên, để thương mại điện tử Việt Nam phát triển và tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh của mình nhằm đóng góp ngày càng nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế nói chung thì các doanh nghiệp cần chú trọng vào việc tối ưu hóa mô hình kinh doanh và tập trung trang bị kỹ năng về thương mại điện tử để sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh, nhờ đó mới nâng cao được chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng dịch vụ mà mình cung cấp.

Theo đó, doanh nghiệp cần biết người tiêu dùng có sẵn sàng mua sắm nhiều hay chưa để có chiến lược đầu tư cho phù hợp. Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sợ mua hàng “online” vì lo ngại hàng giả, sản phẩm không giống như mong muốn, hoặc là họ muốn nhìn thấy sản phẩm đó khi mà họ được chạm, được thử sản phẩm…

Do đó, trước nhất, cùng với việc xây dựng thương hiệu và danh tiếng, doanh nghiệp cần gây dựng sự tín nhiệm và củng cố niềm tin đối với khách hàng. Thái độ cầu thị, hòa hảo và chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng sau khi bán cũng là điều hết sức quan trọng.

Cùng với sự tạo điều kiện của Nhà nước, các doanh nghiệp nên nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp chất lượng website hay trang bán hàng để đảm bảo thông tin khách hàng và an toàn giao dịch. Hiện nay, việc bảo mật thông tin cá nhân và an ninh mạng luôn là những vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam. Đây chính là yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của thị trường thương mại điện tử vì nó gắn với niềm tin sử dụng dịch vụ và lợi ích của khách hàng. Do vậy, việc đầu tư nâng cấp công nghệ, hạ tầng phần mềm lẫn phần cứng cần được quan tâm, chú trọng thường xuyên.

Để khai thác tốt tiềm năng và cơ hội của thương mại điện tử đối với thị trường gần 100 triệu dân, theo các chuyên gia, Chính phủ cần nỗ lực, tập trung đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng công nghệ; ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách mang tính thúc đẩy và tạo môi trường thuận lợi cho lĩnh vực này phát triển.

Cùng với đó, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý cần thiết và đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử… Làm được điều đó, Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp với xu thế hội nhập của toàn cầu; tiến tới nền kinh tế số như kỳ vọng trong nay may./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục