Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng chậm nhất trong 5 tháng do COVID-19

16:33' - 31/01/2021
BNEWS Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 1/2021 ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong 5 tháng gần đây do ảnh hưởng của đợt bùng phát mới dịch COVID-19 trong cộng đồng. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/1 cho hay chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ số đo lường thể trạng khu vực sản xuất của nước này trong tháng 1/2021 ở mức 51,3 điểm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12/2020. 

Các nhà phân tích tại NBS cho hay hoạt động sản xuất của Trung Quốc chậm lại trong tháng 1/2021 là do làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới gây ảnh hưởng tạm thời tới hoạt động và sản xuất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu của năm mới thường là kỳ nghỉ của lễ hội mùa Xuân, không phải thời điểm của hoạt động sản xuất.

Báo cáo của NBS còn cho thấy chỉ số phụ về sản xuất của nước này trong tháng 1/2021 là 53,5 điểm, giảm 0,7 điểm phần trăm so với tháng 12/2020, trong khi chỉ số về đơn đặt hàng mới giảm 1,3 điểm phần trăm xuống 52,3 điểm. Đơn hàng xuất khẩu mới và chỉ số phụ nhập khẩu lần lượt giảm xuống còn 50,2 và 49,8 điểm.

Trong khi đó, chỉ số PMI cho lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc trong tháng 1/2021 đạt 52,4 điểm, giảm so với mức 55,7 điểm trong tháng 12/2020. Đây là tháng thứ 11 liên tiếp chỉ số này duy trì ở mức trên 50 - ranh giới phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Riêng trong tháng Một, Trung Quốc Đại lục ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Mặc dù số ca mắc mới tại nước này được đánh giá là thấp hơn so với nhiều nước khác, song nhà chức trách lo ngại nguy cơ lây lan nhanh và mạnh hơn trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Do làn sóng mới của dịch COVID-19 bùng phát, nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đã phải phong tỏa, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và lĩnh vực dịch vụ, trong đó có logistics và giao thông vận tải.

Đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 mới, chủ yếu ở khu vực phía Bắc, được cho là yếu tố hạn chế tạm thời trong bối cảnh ngành công nghiệp của Trung Quốc vẫn tiếp tục cải thiện tốt nhờ nhu cầu xuất khẩu phục hồi. Các chỉ số kinh tế khác nhau, từ thương mại đến giá sản xuất đều cho thấy triển vọng tăng trưởng.

 Trung Quốc cũng ghi nhận Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 tăng 2,3% và trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tránh được nguy cơ suy giảm vào năm ngoái khi nhiều quốc gia phải vật lộn để kiềm chế đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục