Học giả Trung Quốc đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác thực chất Việt -Trung

15:02' - 03/02/2025
BNEWS Ông Lôi Tiểu Hoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) đề xuất 4 nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác thực chất Việt Nam-Trung Quốc.

Theo bài viết trên trang Global Times, một ấn bản của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời là Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung. Trong trao đổi điện mừng, lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh cần thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, không ngừng đạt được những thành quả mới; thúc đẩy thực hiện và đạt được kết quả thực chất đồng thuận về “6 hơn” mà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước đã đạt được.

Theo tác giả Lôi Tiểu Hoa - nghiên cứu viên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc), hiện nay Trung Quốc và Việt Nam đều đang trong giai đoạn phát triển và chuyển đổi kinh tế quan trọng, do đó ông cho rằng hai bên có thể tăng cường hợp tác thực chất từ các phương diện sau.

 

Thứ nhất, tạo “vòng tròn đồng tâm hợp tác" theo quan điểm tin cậy lẫn nhau. Việc tăng cường hơn nữa lòng tin chiến lược giữa hai nước là bảo đảm quan trọng để Trung Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác thực chất. Việc trao đổi hiệu quả và kết nối chính sách là những cách hiệu quả để tăng cường lòng tin chiến lược lẫn nhau. Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, hai bên cần kiên trì duy trì phát triển ổn định quan hệ giữa hai Đảng, hai nước; đồng thời, tăng cường phối hợp đa phương như cùng thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để phát huy hiệu quả cao hơn; thúc đẩy sớm ký kết và đưa vào hiệu lực Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0; Việt Nam tích cực ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Thứ hai, nâng cao mức độ hiệu quả hợp tác từ khía cạnh kết nối. Kết nối cơ sở hạ tầng là chìa khóa để tăng cường hợp tác thực chất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 12/2024, Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa thuận liên chính phủ về các dự án hợp tác đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới, đồng ý cùng nhau xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn là Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng.

Trong tương lai, hai bên cần đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các tuyến đường sắt có sức chứa lớn, tập trung vào xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới, đẩy nhanh xây dựng các cơ sở trung chuyển, tập trung vào xây dựng các cửa thông minh Việt Nam - Trung Quốc và nâng cao mức độ “kết nối cứng”. Đồng thời, đẩy nhanh việc kết nối các quy tắc, tiêu chuẩn, tập trung xây dựng hải quan thông minh, nâng cao mức độ “kết nối mềm”.

Thứ ba, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hiệu quả hơn và lớn hơn về mặt kinh tế, thương mại. Hợp tác kinh tế, thương mại là lĩnh vực quan trọng để Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác thực chất. Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 205,2 tỷ USD, lập kỷ lục mới trong lịch sử. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam có quy mô trên 200 tỷ USD.

Trong tương lai, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy cân bằng và phát triển bền vững thương mại song phương, tăng thêm tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao trong thương mại song phương như thông tin điện tử, máy móc thiết bị và xe năng lượng mới…; đẩy nhanh quá trình phát triển các hình thức và mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời, lấy việc xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc làm trọng tâm, đẩy nhanh việc xây dựng nền tảng hợp tác năng lựợng giữa hai nước, thúc đẩy sự tập trung công nghiệp, tạo ra chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng xuyên biên giới với những lợi thế bổ sung và lợi ích chung, cùng có lợi cho cả hai bên.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác từ góc độ tài chính. Năm 2024, Trung Quốc và Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác ở cấp ngân hàng Trung ương và sẽ tăng cường hợp tác trong thanh toán nội tệ, hoán đổi tiền tệ và kết nối thanh toán xuyên biên giới. Điều này sẽ không chỉ thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế và hợp tác thương mại giữa hai nước, đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, mà còn là lựa chọn chiến lược của Việt Nam nhằm tìm kiếm sự ổn định và an ninh trong bối cảnh tình hình tài chính quốc tế đầy biến động. Ngay từ năm 2018, Việt Nam đã bắt đầu mở rộng phạm vi thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ tới nhiều ngân hàng và khách hàng.

Trong tương lai, hai bên có thể phát huy hơn nữa vai trò của cơ chế Nhóm công tác hợp tác tài chính và tiền tệ Trung Quốc - Việt Nam, hình thành hướng dẫn chính sách thanh toán tiền tệ song phương, hỗ trợ mở rộng hơn nữa phạm vi thanh toán bằng đồng nội tệ và hoàn thiện mạng lưới thanh toán biên giới… Trên cơ sở thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Trung Quốc - ASEAN hiện có, tăng cường hợp tác hoán đổi song phương giữa Nhân dân tệ và Đồng Việt Nam để ứng phó với biến động của thị trường ngoại hối, ổn định cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ. Tập trung đẩy nhanh kết nối xuyên biên giới bằng mã QR để thúc đẩy kết nối giữa Hệ thống thanh toán Nhân dân tệ xuyên biên giới (CIPS) với hệ thống thanh toán trong nước của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả thanh toán giao dịch xuyên biên giới... Ngoài ra, hai bên cũng có thể tăng cường hợp tác về các định chế tài chính, công nghệ tài chính, nhân tài tài chính, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tài chính…

Thứ năm, tăng cường nền tảng dư luận xã hội về hợp tác từ góc độ trách nhiệm. Tập trung vào tiêu chuẩn cao, tính bền vững và mang lại lợi ích cho đời sống người dân, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Trung Quốc và củng cố nền tảng dư luận xã hội cho sự hợp tác thực chất Việt Nam -Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cần liên tục cải thiện chất lượng và hiệu quả sản phẩm thông qua đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình..., xây dựng hình ảnh của riêng mình theo tiêu chuẩn cao. Ví dụ, các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua việc tích cực tham gia vào các ngành công nghiệp bền vững và các dự án liên quan như năng lượng sạch, giao thông xanh và nông nghiệp thân thiện với môi trường tại Việt Nam để chứng minh sức mạnh kỹ thuật và trách nhiệm xã hội của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng có thể tích cực tham gia vào việc xây dựng các công trình và dự án dân sinh như cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc y tế và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, trực tiếp giúp cải thiện điều kiện sống của người dân Việt Nam để giành được nhiều sự công nhận hơn từ người dân Việt Nam, qua đó giúp củng cố hơn nữa nền tảng dư luận xã hội cho sự hợp tác thiết thực giữa hai nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục