Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam dần chuyên nghiệp

15:02' - 14/04/2016
BNEWS Bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – Hà Nội 2016 (VITM), phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số doanh nghiệp trực tiếp tham gia.

*Phóng viên: Hanoi Redtour là đơn vị nhiều năm liền tham gia hội chợ VITM, theo ông, điểm tạo nên sự khác biệt của hội chợ này so với hội chợ trước đây là gì?

*Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtour: Hội chợ VITM năm nay so với những năm trước chuyên nghiệp hơn. Điều này thể hiện ở điểm các công ty du lịch tham gia hội chợ chủ yếu là các công ty lớn. Gian hàng được đầu tư quy mô, thiết kế đẹp. VITM trước kia tập trung vào tour giá rẻ, tour ngắn. Nhưng năm nay sản phẩm du lịch có sự khác biệt rõ rệt.

Bên cạnh những sản phẩm kích cầu có nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao như: tour đi Nhật Bản, châu Âu, Nga… Như vậy, đây không chỉ còn là nơi săn giá rẻ như hội chợ trước. Nếu trước đây, mỗi tỉnh tham gia hội chợ có một gian hàng riêng dẫn tới phân tán, không tập trung thì năm nay, quy hoạch thành từng khu vực: Khu vực Tây Bắc, Nam Trung Bộ…

Đây là xu hướng bởi du lịch hiện mang tính xuyên vùng. Tại hội chợ này, các hãng hàng không cũng hỗ trợ công ty du lịch giá tốt để giúp xây dựng sản phẩm kích cầu, giới thiệu đến du khách tốt với giá hấp dẫn.

Khách hàng tham khảo nhiều tour du lịch hấp dẫn tại Hội chợ du lịch quốc tế. Ảnh: Hải Yến/BNEWS/TTXVN.

*Phóng viên: Là đơn vị thực hiện khá tốt quảng bá du lịch Hàn Quốc khi tới hội chợ VITM Việt Nam, theo bà, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam còn điểm “yếu” nào cần khắc phục để nâng chất lượng?

*Bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Marketting, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam: Qua nhiều lần tham dự hội chợ VITM, tôi nhận thấy hội chợ ngày càng có sự tiến bộ rõ rệt kể cả mặt công tác tổ chức, mặt bằng và giới thiệu cho doanh nghiệp.

Việc tham gia quảng bá hình ảnh Hàn Quốc tại hội chợ giúp tăng lượng khách Việt Nam tới Hàn Quốc hàng năm. Năm 2014, lượng khách Việt Nam tăng 20% so với năm 2013, và năm 2015 tăng 15% so với 2014. Và năm 2016 hi vọng tăng 13% so với năm 2015.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng so với nhiều Hội chợ Du lịch quốc tế của các nước khác, cơ sở vật chất cũng như không gian tổ chức hội chợ quốc tế tại Việt Nam cần được cải thiện hơn, nhà triển lãm nên lớn và rộng hơn. Đơn cử, như đối với gian hàng Hàn Quốc có 10 gian hàng, diện tích là 90m2, nhưng nếu còn không gian, chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa.

Khách xếp hàng để mua vé máy bay giá khuyến mãi. Ảnh: Hải Yến/BNEWS/TTXVN

*Phóng viên: Tại hội chợ này, Sàn giao dịch Du lịch (Tripi) chính thức được vận hành. Với góc nhìn của doanh nghiệp du lịch, ông nhìn nhận như thế nào về sản phẩm này cũng như hiệu quả của nó trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với khách hàng?

*Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Kinh doanh Vietravel, Hà Nội: Tripi là một sàn giao dịch du lịch giúp kết nối dễ dàng giữa công ty du lịch và khách hàng. Theo đó, du khách chỉ cần lên mạng truy cập phần mềm là có thể thực hiện dễ dàng giao dịch.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi không hẳn đối tượng, độ tuổi nào cũng sử dụng thành thạo phương tiện: điện thoại thông minh, máy tính nối mạng để sử dụng sản phẩm trên, đặc biệt là khách hàng trung niên hay người cao tuổi.

Ngoài ra, về phía cổng thương mại điện tử, vấn đề quản lý, giao diện, công tác quảng bá, triển khai để bán tour trực tuyến vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện phía công ty cũng đã có khách hàng tới tìm hiểu sản phẩm và có nhu cầu mua tour qua sàn giao dịch trực tuyến này. Toàn bộ trách nhiệm đối với hợp đồng của khách hàng là trách nhiệm ba bên: bên tripi, công ty du lịch, khách hàng.

Khi khách hàng hoàn tất thao tác thanh toán, thông tin gửi về công ty du lịch phụ trách và công ty du lịch là người có trách nhiệm liên hệ tư vấn cho khách hàng. Trường hợp có vấn đề liên quan đến hoàn hủy sau này thì công ty du lịch là đơn vị đầu tiên đứng ra giải quyết trách nhiệm, sau đó cần hỗ trợ về phía công ty thương mai điện tử bởi đây là khâu trung gian./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục