Hội đàm Mỹ-Trung mở đường cho các cuộc đối thoại tiếp theo

15:45' - 27/07/2021
BNEWS Chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã khép lại. Dù không đạt kết quả cụ thể nhưng chuyến thăm được coi là cơ hội mở ra các cuộc tiếp xúc cấp cao tiếp theo giữa hai bên.

Đây cũng là quan chức cấp cao nhất dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn căng thẳng.

Trong suốt 4 năm thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa-chính trị căng thẳng, với mâu thuẫn tồn tại trong rất nhiều vấn đề từ thương mại, công nghệ, đại dịch COVID-19 đến vấn đề Hong Kong (Trung Quốc) và Biển Đông.

Hai nước liên tục đưa ra các đòn “ăn miếng trả miếng” nhằm đáp trả các hành động của nhau, khiến mối quan hệ rơi vào mức thấp nhất kể từ năm 1972.

Căng thẳng thương mại giữa hai nước do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng vào năm 2018 đã dẫn đến việc Washington áp đặt thuế quan đối với 360 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và Bắc Kinh cũng đáp trả bằng những lệnh áp thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Một thỏa thuận “đình chiến” căng thẳng thương mại đã được đưa ra vào đầu năm ngoái, còn gọi là “thỏa thuận thương mại giai đoạn 1” với việc Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong vòng hai năm và đổi lại, Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa hoàn thành 60% các mục tiêu đề ra. Như vậy, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được Mỹ và Trung Quốc ký kết dưới thời cựu Tổng thống Trump không đồng nghĩa với việc kết thúc cuộc chiến thương mại mà chỉ là sự đình chiến tạm thời.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 cũng phủ bóng đen lên thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden khẳng định sẽ theo đuổi chính sách “cạnh tranh gay gắt” với Trung Quốc, coi Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất của Mỹ”.

Người đứng đầu nước Mỹ Biden cũng thể hiện quan điểm cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc khi khẳng định sẽ nỗ lực đấu tranh với hàng loạt hành động thương mại và kinh tế “bất công” của Trung Quốc "gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ", sử dụng tiến trình tham vấn thực thi trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Washington và Bắc Kinh đã đạt được dưới thời của cựu Tổng thống Trump để đảm bảo sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Đây được coi là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp nối chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc của cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo giới phân tích, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Biden khẳng định quan điểm cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc phản ánh bản chất khốc liệt của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu chưa thể đoán định hồi kết giữa hai cường quốc và cũng là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, việc Mỹ tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc sẽ khiến hai bên sẽ chịu nhiều tổn thất.

 Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ ước tính Washington có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài.

Mức thiệt hại thậm chí có thể nặng nề hơn khi tính đến tác động từ việc Mỹ mất quyền tiếp cận thị trường ở Trung Quốc đối với doanh thu và thị trường việc làm, trong khi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và khả năng cạnh tranh đều giảm.

Thậm chí, chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các nước khác, khi buộc các nước này phải xem xét lại mối quan hệ với Mỹ, động thái có thể làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp Mỹ và giảm khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong khi Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của các nhà xuất khẩu Mỹ, đồng thời còn là một thị trường “khổng lồ” về hàng hóa và dịch vụ được các công ty lớn của Mỹ, từ General Motors đến Burger King đặt làm nơi sản xuất.

Bởi vậy, nếu cả hai nước không thể hóa giải những khác biệt về thương mại, thì đó sẽ là một “đòn giáng” không chỉ vào các nhà xuất khẩu của hai nước, mà còn vào đe dọa lĩnh vực thương mại và công nghệ toàn cầu.

Trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu những thiệt hại lớn do tình trạng đối đầu trong suốt 4 năm qua, cuộc gặp quan chức cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ tại Alaska hồi tháng 3 vừa qua kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức Mỹ cho thấy mong muốn của cả hai bên trong việc tái thiết lập quan hệ spng phương.

Tuy nhiên, cuộc gặp này chỉ mang tính "dò đường" định hình quan hệ song phương khi không đạt được kết quả cụ thể nào và hai bên không đưa ra tuyên bố chung.

Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi nghiêm trọng khi ngày 23/6, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với 5 công ty của Trung Quốc với cáo buộc có vi phạm về lao động.

Biện pháp hạn chế được công bố chưa đầy 3 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Biden ký sắc lệnh hành pháp bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” với cáo buộc liên quan đến công nghệ do thám và quốc phòng, nâng tổng số công ty Trung Quốc mà công dân Mỹ không được đầu tư lên thành 59 thực thể.

Đáng nói hơn, các biện pháp mới nhằm vào Trung Quốc được tiến hành trong bối cảnh Mỹ cũng đang phối hợp với các đồng minh thực hiện nhiều hành động cứng rắn khác.

Trong đó, đáng kể nhất là các quan điểm và hành động được Tổng thống Mỹ Biden thúc đẩy trong chuyến công du đầu tiên đến châu Âu trong tháng 6.

Theo đó, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lần đầu tiên ra tuyên bố chung khẳng định việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang đặt ra “các thách thức mang tính hệ thống” và là mối đe dọa.

Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) với toàn bộ các thành viên là đồng minh của Mỹ, cũng ra tuyên bố bày tỏ quan điểm về một loạt vấn đề được coi là nhạy cảm và luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc như vấn đề HongKong, Đài Loan, Tân Cương…của Trung Quốc.

Tất nhiên, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ đáp lại các bước đi đó khi áp lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng đối với 7 quan chức Mỹ, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền của cựu Tổng thống Trump, ông Wilbur Ross.

Vẫn duy trì đối thoại

Dù ở thế đối đầu với nhiều bất đồng và tranh chấp, thế nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu được tầm quan trọng của quan hệ song phương cũng như việc duy trì đối thoại.

Với hy vọng giảm bớt căng thẳng đang ngày càng gia tăng trong quan hệ giữa hai nước, ngày 26/7, nhà ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thực hiện chuyến thăm Trung Quốc và có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong tại thành phố Thiên Tân.

Theo các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, mặc dù hai bên không đi đến các thỏa thuận cụ thể cũng như thảo luận về một cuộc gặp có thể diễn ra giữa lãnh đạo hai nước, nhưng Washington đã nêu rõ quan điểm của mình.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết: “Đạt được thỏa thuận hoặc các kết quả cụ thể không phải là mục đích của cuộc hội đàm hôm nay”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman lưu ý với Trung Quốc rằng Washington hoan nghênh sự cạnh tranh với Bắc Kinh, tuy nhiên cần tới một một sân chơi công bằng và đảm bảo không biến thành xung đột, đồng thời bày tỏ mong muốn Trung Quốc ủng hộ và hợp tác trên các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân Iran, tình hình trên bán đảo Triều Tiên...

Thông báo về nội dung cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ Bắc Kinh hối thúc Washington thay đổi quan điểm và chính sách với Trung Quốc. Bộ trên mô tả các mối quan hệ với Mỹ đang "bế tắc" và đối mặt với "những khó khăn nghiêm trọng."

Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn phát biểu của ông Tạ Phong sau cuộc hội đàm cho biết phía Trung Quốc đã đưa ra hai danh sách về những hành động mà Bắc Kinh cho là Washington cần chấm dứt và danh sách các vụ việc cá nhân mà Bắc Kinh lo ngại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đánh giá hội đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Mỹ tại Thiên Tân diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, giúp 2 bên hiểu rõ lập trường của nhau, có ý nghĩa tích cực cho phát triển quan hệ Trung-Mỹ giai đoạn tiếp theo.

Sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, thảo luận về hàng loạt các vấn đề cùng quan tâm.

Dù không mong đợi một vòng đối thoại sẽ giải quyết được tất cả vấn đề còn tồn đọng, song cả Mỹ và Trung Quốc hy vọng cuộc gặp quan chức cấp cao tại Thiên Tân sẽ mở đường cho các vòng đối thoại tiếp theo hợp lý và thực tiễn hơn giữa hai bên.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, song cuộc gặp đã một lần nữa khẳng định rằng đối thoại nên là lựa chọn ưu tiên cho mối quan hệ luôn căng thẳng giữa hai nước và các biện pháp ngoại giao phần nào có thể đem lại sự ổn định cho mối quan hệ vẫn được coi là có ảnh hưởng bậc nhất tới thế giới này.

Cơ sở của kỳ vọng đó là khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tiếp đầu tiên, khi mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ cùng dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Rome (Italy) vào tháng 10 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục