Kinh tế Đông Nam Á “cất cánh” trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung

06:30' - 08/05/2021
BNEWS Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á đang phát triển trở lại sau hơn một năm đóng băng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo báo Strait Times, khi Bộ Thương mại Mỹ báo hiệu vào cuối năm 2019 rằng Washington sẽ tăng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm khung giường, tủ đầu giường và đồ nội thất phòng ngủ do Trung Quốc sản xuất, một nhà sản xuất đồ nội thất của Indonesia đã nhìn thấy cơ hội được mở ra.

Theo bài viết, tập đoàn Integra của Sidoarjo, thuộc tỉnh Đông Java, đã giảm một nửa các kế hoạch mở rộng sản xuất, tiết kiệm chi phí gần 500 tỷ rupiah (khoảng 34,6 triệu USD) - số tiền mà công ty này đã chi trong hai năm để mua sắm các thiết bị như máy cắt laser véc-ni gỗ, máy cưa và bộ định tuyến điều khiển bằng máy tính có thể khắc họa mô hình thành một bảng gỗ trong vòng vài phút.

Giờ đây, với việc đồ nội thất do Trung Quốc sản xuất đang phải đối mặt với thuế đối kháng của Mỹ lên tới 200%, các đơn đặt hàng của Integra đã tăng vọt. Trong hai tháng đầu năm nay, khách hàng mới và hiện tại của Integra, bao gồm cả tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực trang trí nội thất Ikea của Thụy Điển và các nhà bán lẻ của Mỹ như Target và Costco, đã đặt các đơn hàng của Integra với giá trị lên tới 1.800 tỷ rupiah (khoảng 125 triệu USD).

Theo bài viết, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á đang phát triển trở lại sau hơn một năm đóng băng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các nhà đầu tư và phân tích cho rằng nền kinh tế khu vực đang được cải thiện nhờ tình trạng căng thẳng thương mại chưa được giải quyết giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 28/4 dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng 4,4% trong năm 2021 và tăng lên 5,1% vào năm 2022. Indonesia cùng ngày cũng cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng 13% trong thời gian từ tháng 1-3/2021 so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,7 tỷ USD.

Tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư nước ngoài trong quý I/2021 đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tại Thái Lan, nơi FDI giảm đến 50% trong năm 2020 cũng đã có những dấu hiệu đầy hứa hẹn về sự thay đổi, với xuất khẩu tăng gần 8% trong quý đầu tiên của năm 2021, loại bỏ các mặt hàng có biến động mạnh như dầu mỏ, vàng và tính đến yếu tố gia tăng nhập khẩu.

Tập đoàn Microsoft của Mỹ cho biết sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 5 năm để xây dựng các trung tâm dữ liệu trong liên doanh với các doanh nghiệp địa phương và cơ quan chính phủ của Malaysia…

Báo cáo ngày 7/4 của Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nhận định, nhiều khoản đầu tư sẽ được tái phân bổ sang khu vực ASEAN do những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như môi trường đầu tư đang được cải thiện ở các nền kinh tế thành viên. ASEAN+3 bao gồm các nước thành viên ASEAN và ba nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bắt đầu từ năm 2017, đã có sự gia tăng đột biến về số lượng các nhà đầu tư đặt trụ sở tại Trung Quốc chuyển hoạt động sang khu vực ASEAN và các nền kinh tế lớn của châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, khi một số nhà đầu tư Trung Quốc và các công ty có vốn nước ngoài cố gắng tìm cách tránh những tác động từ các mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo báo cáo, trong số 33 thông báo về các hoạt động tái phân bổ đầu tư đến châu Á, có 14 thông báo dự kiến sẽ đến các nước ASEAN. Cuối năm 2020, Indonesia đã công bố biên bản ghi nhớ với tập đoàn LG Energy của Hàn Quốc về khoản đầu tư trị giá gần 10 tỷ USD để sản xuất pin sử dụng cho xe điện ở Batang, Trung Java.

Tháng 7/2020, Ủy ban Điều phối Đầu tư của Indonesia đã công bố các thương vụ quy mô trung bình với tổng trị giá 850 triệu USD, theo đó 7 công ty, bao gồm Panasonic của Nhật Bản và tập đoàn phụ tùng ô tô khổng lồ Denso, sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang khu công nghiệp Batang rộng 4.000 ha.

Tuy nhiên, bài viết cho rằng do thị trường rộng lớn, nguồn cung lao động đã qua đào tạo và cơ sở cung cấp trong nước phát triển tốt, Trung Quốc vẫn đang thu hút đầu tư nước ngoài. Báo cáo của AMRO cho biết, trong số 33 dự án hướng tới châu Á vào năm ngoái, có 9 dự án dự kiến sẽ hoạt động ở Trung Quốc. Đáng chú ý, công ty Dassault Systemes của Pháp đã quyết định chuyển trụ sở tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ Tokyo đến Thượng Hải.

Nhà kinh tế trưởng của AMRO, đồng tác giả của báo cáo, ông Khor Hoe Ee, nói rằng các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, bao gồm điện tử, dệt may và đồ nội thất, sẽ là một trong những doanh nghiệp có nhiều khả năng chuyển hoạt động vì họ ít có khả năng đối phó với thuế quan cao hơn hoặc các cú sốc địa chính trị.

Tiến sỹ Khor nói: “Có rất nhiều tiềm năng cho các công ty ra khỏi Trung Quốc và sang ASEAN. Các quốc gia đang định vị mình để thu hút đầu tư”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục