Hội nghị thượng đỉnh EU thảo luận về ngân sách dài hạn hậu Brexit

17:53' - 23/02/2018
BNEWS Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố cần một sự khởi đầu mới cho EU và các cuộc thảo luận về ngân sách có thể dẫn đến những thay đổi lớn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 23/2, tại Brussels, 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU không có Anh, đã tiến hành thảo luận ngân sách dài hạn cho những năm tới của khối trong bối cảnh Anh - một nước đóng góp lớn cho ngân sách EU, rời khỏi liên minh này.

Các quốc gia thành viên sẽ phải quyết định thông báo chấp nhận hay không việc tăng ngân sách giai đoạn 2021-2027 để chi cho các chính sách chung mới về đảm bảo an ninh quốc phòng và vấn đề người di cư, vào thời điểm ngân sách sẽ mất đi sự đóng góp khoảng 12 tỷ euro từ phía nước Anh.

Theo Thủ tướng Đức, việc thảo luận về khuôn khổ ngân sách dài hạn của EU cũng là dịp xem xét tổng thể tình hình tài chính của EU. Ủy ban châu Âu (EC) hy vọng ngân sách của EU sẽ tăng từ 1% GDP cho giai đoạn 2014-2020 lên 1,1% hoặc 1,2% cho giai đoạn 2021-2027, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm chi tiêu và tìm kiếm các nguồn thu nhập mới để lấp đầy khoảng trống ngân sách do nước Anh để lại.

Với sự tham gia của 27 nước trong cuộc thảo luận ngân sách, các nhà lãnh đạo EU không trông chờ vào sự nhất trí chung ngay tại hội nghị lần này. Đức - một nước đóng góp ròng chính cho ngân sách châu Âu, đã đánh tín hiệu cho biết sẵn sàng đóng góp nhiều hơn.

Pháp và Italy cũng bày tỏ sẵn sàng tăng đóng góp nhưng với một số điều kiện nhất định. Trong khi đó, nhiều khả năng các nước Hà Lan, Đức, Áo, Thụy Điển và Phần lan sẽ phản đối ý tưởng này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc có trao cho Nghị viện châu Âu (EP) thẩm quyền lớn hơn hay không trong việc lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cũng như giải quyết các ghế của Nghị viện do nước Anh để lại.

Nghị viện châu Âu (EP) mong muốn lựa chọn Chủ tịch EC trong số danh sách các ứng viên được các đảng chính trị của Nghị viện đề cử.

Nhưng các lãnh đạo tuyên bố có thể khả năng bác bỏ hệ thống chọn Chủ tịch EC theo cách này với lập luận rằng Hiệp ước EU chỉ bắt buộc họ tính đến kết quả của các cuộc bầu cử châu Âu và không giới hạn lựa chọn vào một danh sách hạn hẹp của EP.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ phải đưa ra quyết định chấp nhận đề xuất của EP nhằm giảm số ghế Nghị viện từ 751 xuống còn 705 sau khi 73 nghị sĩ của Anh phải ra đi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục