Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII: Cải cách tiền lương cho người lao động là cấp thiết

16:59' - 10/05/2018
BNEWS Nếu được tăng lên mức 3,5 triệu đồng/người/tháng sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và giúp người lao động tận tâm hơn với công việc.
Toàn cảnh phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII, diễn ra từ ngày 7-12/5, tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung quan trọng như: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác. Theo dõi hội nghị, cán bộ, nhân dân trong tỉnh Sóc Trăng có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết.

* Cải cách tiền lương cho người lao động là cấp thiết

Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Việc cải cách tiền lương cho người lao động là cấp thiết. Hiện ở Sóc Trăng, mức lương trung bình của người lao động ở khối doanh nghiệp là 2,9 triệu đồng/người/tháng, như vậy là thấp so với mặt bằng chung và nhu cầu thực tế.

Nếu được tăng lên mức 3,5 triệu đồng/người/tháng sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và giúp người lao động tận tâm hơn với công việc. Trong khi đó, ở khối cơ quan Nhà nước, lương cán bộ, viên chức vẫn còn nhiều bậc, ngạch, mỗi lần tăng lương không cao.

Theo ông Thanh, cần giảm số ngạch, bậc, tăng mức lương cơ bản, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với từng chức danh, vị trí việc làm. Lương có cao, thu nhập đáp ứng được cuộc sống, cán bộ, công chức nhà nước mới tận tâm với nghề, hạn chế tham nhũng…

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, theo ông Thanh, có thể áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu với những người làm việc trong khối hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế “mở” như, nữ đến tuổi 55, nam đến tuổi 60 muốn nghỉ hưu do sức khỏe không đảm bảo, đơn vị sử dụng không có nhu cầu…vẫn giải quyết cho những trường hợp này nghỉ.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điều hành phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

*Cần tăng mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo ông Đàm Lực Sĩ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng: Những năm gần đây, công tác chi trả chế độ Bảo hiểm xã hội ở Sóc Trăng luôn đảm bảo mục tiêu: Chi đúng, chi đủ, kịp thời trước ngày mùng 10 hàng tháng cho người thụ hưởng, đảm bảo an toàn, không để xảy ra thất thoát.

Nhờ vậy, số người tham gia bảo hiểm xã hội giai đoạn 2012 - 2017 tại Sóc Trăng đã tăng thêm 11.894 người, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động là 24,7%. Bên cạnh đó, số thu giai đoạn 2012-2017 hàng năm đều tăng, đạt và vượt chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao bình quân 3,83%.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội ở Sóc Trăng thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế: Hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội diện bắt buộc hiện nay chưa cao do các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng người trong gia đình; người lao động hoạt động phi chính thức, không ký hợp đồng lao động. Một số cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại tỉnh chưa quản lý chặt số lao động trong các doanh nghiệp…

Trước thực trạng này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng mong muốn, việc cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội thời gian tới cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần (chỉ hưởng trong phạm vi đóng bảo hiểm xã hội của cá nhân).

Bên cạnh đó, cần tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi dễ dàng giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc, hướng tới chuyển đổi hoàn toàn bảo hiểm xã hội tự nguyện thành bảo hiểm xã hội bắt buộc; đồng thời tăng mức xử phạt vi phạm quy định về bảo hiểm xã hội từ 2- 4 lần so với số tiền chậm đóng, trốn đóng, trục lợi Quỹ bảo hiểm xã hội…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục