Hội nhập quốc tế hải quan Việt Nam: Bài 3: Nỗ lực tăng cường kết nối với hải quan quốc tế

19:30' - 30/04/2024
BNEWS Năm 2024 Tổng cục Hải quan cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương và đa phương; tập trung vào hợp tác trao đổi thông tin nghiệp vụ.

Cùng với đó là duy trì việc thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và lợi ích tại Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), ASEAN, APEC, ASEM, GMS; đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN, WCO và với các đối tác đã ký Hiệp định thương mại tự do; tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực trong WCO, ASEAN, APEC, ASEM thông qua việc chủ trì, điều phối, tham gia các chương trình, dự án, các hoạt động của tổ chức, chủ động đề xuất các sáng kiến kết nối hợp tác với hải quan các nước.

Theo cơ chế luân phiên, hải quan Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) lần thứ 33 trong năm 2024.

Hội nghị ADGCM là cơ chế họp thường niên và luân phiên của cơ quan Hải quan các nước trong khu vực ASEAN. Hội nghị là diễn đàn để các lãnh đạo của hải quan các nước thành viên thảo luận và đưa ra các quyết định, chỉ đạo và định hướng các hoạt động liên quan đến các biện pháp hội nhập hải quan trong đó tập trung vào các lĩnh vực nghiệp vụ về tạo thuận lợi thương mại, kiểm soát hải quan và xây dựng năng lực hải quan.

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công hai Hội nghị ADGCM tại Việt Nam lần lượt vào các năm 2004 và 2014. Với việc đăng cai tổ chức hội nghị lần này, Việt Nam sẽ thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan hải quan nước thành viên trong khu vực ASEAN, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của hải quan Việt Nam và phù hợp với chủ trương chung về nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.

Với vai trò là nước Chủ tịch Hải quan năm 2024, Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường kết nối và thống nhất giữa các nước ASEAN để tiếp tục thực hiện các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan ASEAN cho giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện các nội dung: Cơ chế một cửa ASEAN; Cơ chế quá cảnh hải quan ASEAN; Cơ chế thực hiện Công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN. Ngoài ra, khuyến khích tăng cường đối thoại, tham vấn với các đối tác của ADGCM nhằm thực hiện các mục tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn mới như hải quan xanh, xây dựng hệ sinh thái về dữ liệu hải quan, hiện đại hóa hải quan, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý hải quan đối với thương mại điện tử; đơn giản hóa thủ tục hải quan cho các lô hàng trị giá thấp…

Theo Tổng cục Hải quan, hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung trong khu vực, thông qua tạo thuận lợi thương mại, hàng hoá tự do lưu thông và thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN.

Chính vì vậy, ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn. Có thể kể đến những văn kiện mang tính cột mốc như Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN, Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về Thực hiện biểu thuế hài hoà hoá của ASEAN (AHTN), Nghị định thư về Hệ thống quá cảnh hải quan (ACTS)…

Cơ chế hợp tác hải quan trong ASEAN hiện nay được tổ chức theo các cấp quản lý và Nhóm làm việc cố định, trong đó cấp cao nhất là Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN. Ngoài ra còn có các Tiểu nhóm lâm thời, phục vụ các nhiệm vụ đặc trách được giao, ví dụ như về hệ thống quá cảnh ASEAN, Một cửa ASEAN, Doanh nghiệp ưu tiên...

 

Các kết quả chính về hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN gồm: Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN); Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS)... Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) là hệ thống quản lý quá cảnh hải quan được tự động hóa việc thực hiện các thủ tục hải quan đối với việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua biên giới trong ASEAN bằng phương tiện đường bộ. Thông qua một thủ tục hải quan chung, ACTS cho phép doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa tự do qua các Quốc gia Thành viên ASEAN...

Bên cạnh đó, còn có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN (AAMRA)

Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN (AAMRA) đã được toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN thông qua, ký kết và có hiệu lực từ ngày 19/9/2023. Đây là một trong những sáng kiến nổi bật của ASEAN nhằm hướng đến mục tiêu củng cố an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường lợi ích chung trong tạo thuận lợi thương mại của các bên tham gia.

Hội nhập quốc tế hải quan Việt Nam: Bài 1: Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Hội nhập quốc tế hải quan Việt Nam: Bài 2: Phát triển hải quan số, hải quan thông minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục