"Hồi sinh" san hô ở vịnh Nha Trang hướng đến phát triển du lịch lặn biển

07:04' - 28/09/2016
BNEWS Vịnh Nha Trang cũng như một số vùng biển khác của tỉnh Khánh Hòa vốn có nhiều rạn san hô tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép san hô đã khiến diện tích san hô suy giảm nghiêm trọng.
Những rạn san hô tự nhiên tại Khánh Hòa. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang” nằm về phía Tây đảo Hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đây là dự án áp dụng xây dựng mô hình rạn nhân tạo hướng đến nhiều mục tiêu, bao gồm phục hồi và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học biển, đặc biệt là kết hợp để phát triển ngành du lịch lặn biển.

Với tổng kinh phí trên 940 triệu đồng, phần lớn từ nguồn ngân sách dành cho sự nghiệp khoa học của địa phương, đề tài này được tiến hành trong 3 năm (10/2013 – 9/2016). Qua đó các nhà khoa học thiết lập 100 giá thể rạn nhân tạo với chiều dài 150m để trồng phục hồi san hô, cũng như mở rộng san hô ở nền đáy trong khu vực, với tổng diện tích san hô 4.000m2.

Bên cạnh đó, đề tài còn tiến hành đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nước biển, đo đạc thủy thạch động lực học vùng biển vịnh Nha Trang... làm cơ sở để mở rộng các mô hình phục hồi rạn san hô trong vịnh.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được đánh giá là mô hình điểm, có thể nhân rộng tại các vùng biển ở Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương khác.

Trước đó, từ đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng ở một số khu bảo tồn biển trọng điểm” cũng do Viện Hải dương học Nha Trang chủ trì và thực hiện trong thời gian 2011 - 2013, đã có hơn 5.550 m2 san hô ở Khu bảo tồn vịnh biển Nha Trang được phục hồi và phát triển vững chắc, với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Vịnh Nha Trang cũng như một số vùng biển khác của tỉnh Khánh Hòa như vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh... vốn có nhiều rạn san hô tự nhiên. Riêng vịnh Nha Trang có trên 340 loài san hô với diện tích hàng trăm ha.

Tuy nhiên, một thời gian dài diễn ra tình trạng đánh mìn để bắt cá ở rạn san hô, khai thác trái phép san hô sống làm sinh vật cảnh, đồ mỹ nghệ và khai thác san hô để chế biến vôi... đã khiến diện tích san hô suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hủy diệt một số rạn san hô tại nhiều khu vực./.

>>> Vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình của quần đảo Điệp Sơn - Khánh Hòa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục