Hơn 3.260 tỷ đồng xây dựng tuyến đường kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị Tiền Giang

12:22' - 11/10/2024
BNEWS Tiền Giang triển khai Dự án đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền), giai đoạn 1 (2022 – 2025) có tổng mức đầu tư hơn 3.260 tỷ đồng.

Nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tiền Giang triển khai Dự án đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền), giai đoạn 1 (2022 – 2025) có tổng mức đầu tư hơn 3.260 tỷ đồng.

 

Tuyến đường chạy dọc sông Tiền, đi qua các địa bàn thuộc thành phố Mỹ Tho và các huyện như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông. Dự án có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 30 thuộc xã Tân Hưng (huyện Cái Bè), điểm cuối kết nối với đường tỉnh 862 thuộc xã Tân Thành, (huyện Gò Công Đông), với chiều dài hơn 111km.

Giai đoạn 1 (2022 - 2025) tỉnh tập trung đầu tư thi công đoạn từ thành phố Mỹ Tho đến Đèn Đỏ tại điểm giao nhau với đường tỉnh 862 ( huyện Gò Công Đông) có chiều dài tuyến 44 km, xây mới 13 cầu. Trong đó, đoạn mở mới dài 19 km, còn lại nâng cấp mở rộng đường hiện hữu với chiều rộng mặt đường 11 m láng nhựa, nền đường 12 m, riêng đoạn qua địa bàn thành phố Mỹ Tho thảm nhựa nóng.

Theo thiết kế, tuyến đường đi qua khu đô thị đạt chuẩn đường phố chính đô thị - thứ yếu, đoạn ngoài đô thị đạt chuẩn cấp III, cấp IV đồng bằng. Giai đoạn 2 (2026 – 2030) sẽ thi công tiếp hai đoạn còn lại: đoạn từ Đèn Đỏ - đến ngã năm Tân Thành (huyện Gò Công Đông) và đoạn từ Quốc lộ 30 đến thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè) từ nguồn vốn ngân sách địa phương cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, đây là một trong những dự án động lực kết nối từ huyện Cái Bè phía Tây đến huyện Gò Công Đông phía Đông tỉnh. Đồng thời, kết nối với Quốc lộ 50 và đường ven biển đồng bằng sông Cửu Long dự kiến hình thành trong tương lai nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh ven biển Nam bộ:  Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến Cà Mau. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ven biển Nam bộ nói chung, vùng duyên hải phía Đông tỉnh gồm các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và thành phố Gò Công nói riêng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá, tuyến đường khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh gồm: vùng Trung tâm, vùng phía Tây và vùng phía Đông, tạo nên sự thông suốt, đồng bộ và phát huy hiệu quả của mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển liên kết vùng.

Ngoài ra, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch, nuôi trồng thủy sản trong khu vực trên cơ sở khai thác đồng bộ giao thông thủy - bộ..., góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh một cách vững chắc và bền vững.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung cho biết, với trách nhiệm được giao làm chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang nỗ lực giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư, giúp nhà thầu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, đơn vị bố trí nhân sự giám sát thi công, quản lý dự án đáp ứng yêu cầu năng lực và kinh nghiệm, thường xuyên có mặt, bám sát công trường nhằm phối hợp hỗ trợ các nhà thầu thi công kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ.

Nhờ vậy, các hạng mục đã triển khai thực hiện trong giai đoạn 1 (2022 – 2025) đều đảm bảo tiến độ nhanh, vượt trước kế hoạch được giao. Đơn cử như công trình cầu Chợ Gạo qua kênh Chợ Gạo trên đường tỉnh 864 có tổng vốn đầu tư trên 263 tỷ đồng. Được khởi công vào ngày 26-4-2023, đến đầu tháng 10/2024, khối lượng gói thầu cầu Chợ Gạo đã đạt khoảng 85%.

Ông Nguyễn Đức Đậu, Tư vấn - Giám sát Trưởng gói thầu cầu Chợ Gạo và đường dẫn vào cầu chia sẻ, để đảm bảo chất lượng, tiến độ của dự án, đơn vị đã bố trí nhân lực giám sát thường xuyên trong quá trình thi công.  Nhờ vậy, công trình cầu Chợ Gạo là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh triển khai trên địa bàn có tiến độ nhanh vượt trước kế hoạch được giao. Hiện nay, nhà thầu tập trung triển khai thi công quyết liệt ngày đêm, phấn đấu hoàn thành cầu Chợ Gạo vào cuối tháng 11/2024, về trước kế hoạch hơn 1 tháng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, tiến độ các gói thầu khác trong dự án đến nay cụ thể như sau: gói thầu thi công đường tỉnh 864 đoạn từ cầu Chợ Gạo đến đường tỉnh 877B đạt 92,6% khối lượng; gói thầu thi công đoạn từ Quốc lộ 50 đến cầu Chợ Gạo đạt 63% khối lượng.

Trước đó, công trình cầu Vàm Giồng và đường vào cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác từ ngày 28/11/2023 mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương, nhất là khu vực địa bàn hai huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây đang hưởng lợi.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung đánh giá: Với tiến độ hiện nay và tinh thần thi đua quyết thắng “vượt nắng, thắng mưa”, các nhà thầu tập trung phương tiện, trang thiết bị, nhân lực, khẩn trương thi công “3 ca, 4 kíp” ngày đêm, Dự án đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền), giai đoạn 1 (2022 – 2025) sẽ thông tuyến vào đầu năm 2025 tới trong sự hân hoan, mong đợi của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.

Cùng với Quốc lộ 50 hiện hữu, đường ven biển Nam bộ đang triển khai nay mai, đường tỉnh 864 dọc sông Tiền sẽ hình thành 3 trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng, tạo thêm động lực phát triển cho vùng duyên hải phía Đông tỉnh vốn giàu các tiềm năng kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển – một trong những mũi nhọn của tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục