Hơn 500.000 hộ nghèo tại Gia Lai được thụ hưởng vốn tín dụng chính sách

09:35' - 14/07/2024
BNEWS Đến tháng 4/2024, hơn 500.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Gia Lai đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đây là kết quả đáng ghi nhận sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách tại tỉnh Gia Lai.

Chủ trương sáng tạo, hiệu quả

Ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai, khẳng định qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí cho thấy chủ trương hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tính sáng tạo cao và tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng chính là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân giúp tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân và là nguyện vọng, sự mong mỏi của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

 
Cũng theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai, nhận thức rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai xác định đây là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong triển khai tín dụng chính sách xã hội và là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Từ năm 2014 đến nay, các văn bản chỉ đạo cụ thể đã được ban hành và tập trung chỉ đạo phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch hành động nhằm cụ thể hoá việc tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã dành nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm mở rộng đối tượng và tăng cường bổ sung nguồn lực. Tính đến nay, tổng nguồn vốn uỷ thác là 470 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,6% tăng 440 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Gia Lai, tín dụng chính sách đã được triển khai đến 100% các địa phương trên địa bàn, với bình quân tăng trưởng tín dụng hằng năm đạt 10%.

Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Gia Lai đạt trên 7.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.300 tỷ đồng so với năm 2014; trong đó, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác dư nợ trên 155.000 hộ. Tổng doanh số cho vay theo Chỉ thị 40-CT/TW đến nay đạt xấp xỉ 16.500 tỷ đồng với hơn 500.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt xấp xỉ 7.800 tỷ đồng (chiếm trên 47% tổng doanh số cho vay) với gần 250.000 hộ vay vốn.

Nguồn vốn chính sách hỗ trợ thiết thực, mang lại lợi ích lớn

Nhờ nguồn vốn vay chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Gia Lai đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm từng bước vươn lên thoát khỏi khó khăn, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Chị Kpuih H’Joi (SN 1984), trú tại làng Sung Kép, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ là một trong những hộ gia đình được hưởng lợi từ chương trình tín dụng chính sách này. Gia đình chị H’Joi thuộc diện hộ nghèo, đời sống vô cùng khó khăn, nhờ được vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình chị đã sửa chữa nhà ở và đầu tư phát triển 3 ha điều. Nhờ đó, hiện giờ điều kiện kinh tế gia đình của chị H’Joi đã cơ bản ổn định, con cái được đi học đầy đủ, nhà cửa khang trang hơn.

Tương tư, gia đình hai vợ chồng chị Siu Nhã (SN 1993) và anh Đoàn Công Toàn (SN 1989) trú tại tổ 6, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông cũng vượt khó nhờ nguồn vốn này. Theo chị Nhã, hai vợ chồng chị cưới nhau chưa được bao lâu, nên thu nhập chỉ phụ thuộc vào 1 ha cà phê già cỗi và đi làm thuê. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên điều mong mỏi lớn nhất của cả hai vợ chồng là thoát nghèo. Để mơ ước thành hiện thực, năm 2022, gia đình chị Siu Nhã đã tận dụng 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, sau 2 năm khoản vay đã được trả hết.

Sau khi trả hết khoản nợ vay từ 2 năm trước, đầu năm 2024 này, hai vợ chồng chị tiếp tục vay thêm 80 triệu đồng để đầu tư vào 1 ha cà phê, 400 trụ tiêu và trồng thêm 2 ha cà phê nữa. Bây giờ, điều kiện kinh gia đình tôi đã ổn định, hai vợ chồng cố gắng vài năm tới sẽ thoát cận nghèo và có cuộc sống đủ đầy hơn.

Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn huyện đã đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, bình quân mỗi năm giảm khoảng 3 % (tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn xấp xỉ 12%.)

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW đối với tín dụng chính sách, đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm sâu, từ 23,73% năm 2014 xuống còn 8,11% vào năm 2023. Kết quả đạt được đã khẳng định tính hiệu quả của Chỉ thị trong việc hoàn thiện hệ thống tín dụng chính sách, đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích giúp giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại Gia Lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục