Hơn 57.000 hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách

08:25' - 30/07/2024
BNEWS Trong giai đoạn 2014 – 2024, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hà Nam đã giúp cho hơn 57.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam cho biết: Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt các công việc nhận ủy thác như: công tác tuyên truyền, vận động; công tác kiểm tra, giám sát; công tác đào tạo, tập huấn; quản lý nguồn vốn vay, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý các trường hợp nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan...

Do đó, hầu hết các hộ vay sử dụng vốn tín dụng chính sách đúng mục đích, nâng cao được hiệu quả nguồn vốn vay. Thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhằm nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

 
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Nam, thông qua việc thực hiện ủy thác đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Hà Nam đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Nhờ đó, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,11%.

Trong giai đoạn 2014 – 2024, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hà Nam đã giúp cho hơn 57.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh; góp phần đưa hàng nghìn hộ thoát nghèo; giúp cho hơn 4.700 học sinh, sinh viên, con em nông dân vay vốn để học tập. Tính đến tháng 6/2024, dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đạt 986 tỷ đồng, với hơn 14.600 thành viên vay vốn; nợ quá hạn ở mức 0,13%.

Trong hoạt động nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ là tổ chức có số dư nợ cao nhất. Các cấp hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở tổ chức bình xét đối tượng cho vay, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn hội viên làm hồ sơ, thủ tục vay vốn theo quy định.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam đang quản lý 465 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 1.196 tỷ đồng (chiếm 35,6% dư nợ ủy thác), gần 18.000 hộ đang còn dư nợ, trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,11%. Hoạt động ủy thác cho vay vốn do các cấp hội phụ nữ quản lý đã giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chị Đoàn Thị Huyên, Chi hội Phụ nữ thôn Thọ Lão, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng cho hay, trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2000, đang trong lúc khó khăn về vốn để phát triển sản xuất, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hoàng Tây cho vay 50 triệu đồng từ vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Đến nay, trang trại của gia đình chị thường xuyên duy trì hơn 1 nghìn vịt đẻ, hơn 1 nghìn ngan thịt và gần 200 con lợn…, trừ chi phí, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nhờ có vốn vay ưu đãi mà chị và nhiều chị em phụ nữ trong xã đã có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Bà Trần Thị Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam cho biết: Thông qua hoạt động nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, phụ nữ nghèo, cận nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi thuận tiện như một phao cứu sinh, giúp cho họ có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chương trình tín dụng chính sách đến hội viên, phụ nữ và nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức bình xét đối tượng cho vay; hướng dẫn hội viên làm hồ sơ, thủ tục vay vốn; đồng thời, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác của từng cấp, nhất là ở cấp cơ sở.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách cũng được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Hà Nam quan tâm thực hiện. Các cấp hội đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo thành lập và lựa chọn cán bộ, hội viên có uy tín làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, cho vay quay vòng kịp thời và giải quyết các trường hợp nợ quá hạn.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, tính đến tháng 6/2024, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam triển khai các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ uỷ thác đạt 3.357 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,8% tổng dư nợ với hơn 47.500 hộ còn dư nợ; nợ quá hạn chiếm 0,13% dư nợ ủy thác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục