Họp báo Chính phủ tháng 9: Ba tháng cuối năm Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn

20:32' - 02/10/2020
BNEWS Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ tin tưởng 3 tháng cuối năm Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn cho quý IV và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, chiều ngày 2/10, trước những băn khoăn của báo giới về "sức khỏe" của doanh nghiệp do tác động của dịch COVID, ảnh hưởng đến nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ tin tưởng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho quý IV và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay, một số ngành đang có thế mạnh về xuất khẩu; trong đó có dệt may, da giày. Tuy nhiên, so với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ngành; trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, đặc biệt trong hoạt động  xuất khẩu.

Theo đó, các bộ, ngành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của đầu tư nước ngoài, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Về phía Bộ Công Thương, tập trung tăng cường thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh COVID-19 không thể ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.

Theo nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương cũng tăng cường xúc tiến thương mại. Theo đó, việc này không đi theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng được tổ chức qua nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến.

Một giải pháp quan trọng khác, được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra đó là để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định.

Chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, khó khăn của các doanh nghiệp sau 9 tháng vẫn còn. Tuy nhiên đã đỡ hơn rất nhiều so với đầu năm. Kết quả thể hiện rõ ở mức tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng qua.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn như doanh nghiệp liên quan đến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp lữ hành du lịch.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã có đánh giá sơ bộ, thể hiện ở ba khía cạnh: Nguồn vốn tín dụng, chính sách tài khoá và hỗ trợ trực tiếp trên ngân sách.

Các bộ, ngành cũng đang rà soát, báo cáo với Chính phủ, có kiến nghị cụ thể đối với tình hình sắp tới, nếu cần sẽ kiến nghị thêm những chính sách mới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng lưu ý, vừa qua các ngân hàng thương mại đã có nhiều giải pháp quyết liệt, giảm rất sâu về lãi suất… nhưng cần phải xác định nguồn vốn ngân hàng không phải nguồn vốn cho không, mà là nguồn vốn hoàn trả thị trường…Về phía doanh nghiệp phải có thị trường, có nguyên liệu thì mới vay vốn được.

Về thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19,Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…

Từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á như Nhật Bản, Singapore hay châu Âu (Pháp).

Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với các nội dung thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan toả, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương kỳ vọng cùng với chính sách Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam, cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hoá việc dịch chuyển của mình.

Liên quan đến mở đường bay từ Việt Nam tới các nước, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam.

Với chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với nhà chức trách hàng không của các nước.

“Chúng ta đều biết việc mở lại các đường bay dựa trên cơ sở phòng chống dịch không phải riêng của Việt Nam mà còn của các nước mà hãng hàng không có thể đến, do đó cần có sự thống nhất chung giữa các quốc gia. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế về việc mở lại các đường bay này”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Việc mở các đường bay sẽ theo lộ trình và theo thứ tự ưu tiên. Các nước được ưu tiên sẽ là các địa bàn kiểm soát dịch tốt, cụ thể Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia…, để có thể trao đổi các chuyến bay trên cơ sở kiểm soát dịch tốt.

“Việc mở thành công các chuyến bay quốc tế đầu tiên sẽ là tiền đề để mở các chuyến bay tiếp theo tới Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng như thống nhất cách bay, công tác cách ly trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ./.

>>>Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt từ 8-10%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục