Họp báo Chính phủ: Ưu tiên, phấn đấu cho tăng trưởng năm 2024 và 2025

16:30' - 07/09/2024
BNEWS Chính phủ đã thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 tiếp tục đà phục hồi, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chiều 7/9, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.

*Kinh tế tiếp đà tăng trưởng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, tại phiên họp, Chính phủ đã thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 tiếp tục đà phục hồi, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ở cả 3 khu vực.

 

Cụ thể, khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt với kết quả tháng 8 tăng 2% so với tháng 7 và tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2023 và tính chung 8 tháng tăng 8,6%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,9% và 8 tháng tăng 8,5%.

Kinh tế vĩ mô cũng tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4,04% (lạm phát cơ bản tăng 2,71%). Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm với xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,85 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 21,7% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cũng tăng 3,7% so với tháng 7 và 14,5% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%; xuất siêu 19,07 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ, trong khi đã thực hiện miễn, giảm 90 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí.

Đầu tư phát triển cũng tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt 40,49% kế hoạch; thu hút FDI đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7%; vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất trong 5 năm qua.

*Ưu tiên cho tăng trưởng

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Đó là, giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; những dự án tồn đọng cần phải được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; huy động và sử dụng các nguồn lực còn chưa thực sự hiệu quả; phải nỗ lực hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, với tinh thần tạo động lực mới, khí thế mới để đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.

Theo đó, để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.

Cùng đó, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thu; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Cùng với kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra, các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm; chủ động điều hành bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng. Đồng thời, chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng cùng lúc, không điều hành giật cục.

Các bộ, ngành, địa phương cũng tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như: Về đầu tư tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động hiệu quả mọi nguồn lực xã hội.

Về xuất khẩu, duy trì, khai thác hiệu quả các thị trường lớn, truyền thống và xúc tiến mạnh mẽ các thị trường mới, giàu tiềm năng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu…Về tiêu dùng đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; quyết liệt thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới (như chíp bán dẫn, AI…). Đây là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục