Họp báo Chính phủ: Việt Nam trước cơ hội vàng tái khởi động nền kinh tế

19:20' - 02/06/2020
BNEWS Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng trong khôi phục sản xuất, tái khởi động nền kinh tế sớm hơn so với nhiều nước và được thế giới đánh giá cao.

Chiều 2/6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng trong khôi phục sản xuất, tái khởi động nền kinh tế sớm hơn so với nhiều nước và được thế giới đánh giá cao.

Chính phủ đánh giá trong 5 tháng qua kinh tế có nhiều điểm sáng, xuất khẩu dù có sụt giảm nhưng không lớn so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại vẫn xuất siêu 1,9 tỷ USD. Chỉ có doanh thu du lịch và khách quốc tế là sụt giảm nhiều.

“Chúng ta khẳng định kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt. Thu hút ngoại hối, hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân cũng hiệu quả”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được tích cực triển khai trên cả nước, đến nay đã thực hiện 17,7 nghìn tỷ đồng. Các đối tượng chính sách, người  nghèo, người có công hầu hết đã thụ hưởng chính sách. Nhiều địa phương làm rất tốt việc này.

Quan điểm của Chính phủ trong thời gian tới là các bộ, ngành tiếp tục triển khai phòng chống dịch bệnh, quyết tâm không để dịch quay trở lại, để tập trung mọi nguồn lực cho khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5/2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... Điều này cho thấy, hậu giãn cách, nền kinh tế đang bắt đầu dần bình thường trở lại.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra khó khăn phía trước còn rất lớn. Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Tổng cục Thống kê nhận định, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó, gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp./.

>>> Doanh nghiệp đề xuất giải pháp phục hồi kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục