Lấy đà phục hồi, phát triển kinh tế - Bài 2: Hoàn thiện hạ tầng

12:53' - 02/06/2020
BNEWS Việc các nước thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tác động lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, những ngành kinh tế biển chủ lực của thành phố Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển kinh tế mới.

Đón đầu chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, để đón làn sóng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều dự án cụ thể về lĩnh vực logistic như: thúc đẩy chủ trương đầu tư, xây dựng mới Cảng Liên Chiểu; di dời Ga đường sắt Đường sắt; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B; dự án tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2; phối hợp triển khai dự án nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; xây dựng mới tuyến đường bộ kết nối Cảng Liên Chiểu với Quốc lộ 1 phía Nam hầm Hải Vân hoặc với đường cao tốc.

Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng nhanh chóng lập quy hoạch chi tiết hình thành các trung tâm logistics gồm: Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logsistics Khu công nghệ cao và các trung tâm logistics khác để có cơ sở tiến hành đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương thành phố cũng đẩy mạnh hợp tác công tư PPP đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics.

Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc cho hay, Sở sẽ tập trung cập nhật, phổ biến, tuyên truyền, thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics và các văn bản pháp luật về dịch vụ logistics của trung ương và địa phương.

Cùng đó, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương, các trường đại học (hoặc khoa chuyên ngành logistics thuộc các trường đại học) tổ chức có hiệu quả các hoat động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đồng thời, duy trì gắn kết mối quan hệ chặt chẽ giữa Sở với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố.

Qua đó nắm bắt, tham mưu UBND thành phố giải quyết, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, phục hồi sau dịch COVID-19.

Giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả

Trong các tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Đà Nẵng đều bị ảnh hưởng nặng nề, có lúc gần như đình trệ do tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Đà Nẵng lại khá ấn tượng, cao gấp nhiều lần cùng kỳ các năm qua.

Nhiều dự án mới được khởi công, nhiều dự án khác đang gấp rút hoàn thành, khẩn trương tạo đà phát triển kinh tế sau thời gian chống dịch.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, đến ngày 15/5/2020, đã giải ngân 2.300 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch giao, là cơ sở để phấn đấu đến 30/6/2020 đạt 35% theo tiến độ giao.

Kết quả này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm qua (gấp 3,5 lần năm 2019; gấp 4,4 lần năm 2018), vượt chỉ tiêu tiến độ được UBND thành phố giao trước đó.

Nhờ các giải pháp, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự nỗ lực của các các chủ đầu tư, đơn vị… ngay trong cao điểm phòng chống dịch đã có một số dự án được khởi công.

Trong đó có các dự án trọng điểm động lực như: Đường và cầu qua sông Cổ Cò và Đường Vành đai phía Tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng - OFID; Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà; Nhà máy nước Hòa Liên; Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý… góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân.

Đáng chú ý, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu năm 2020 giải ngân đạt khá, đạt 75% kế hoạch (245 tỷ đồng/323 tỷ đồng); trong đó, có một số đơn vị có quy mô vốn lớn đã có tỷ lệ giải ngân cao, vượt tiến độ quy định (theo quy định đến 30/4/2020 giải ngân đạt 15%) đã góp phần đưa tỷ lệ giải ngân chung của thành phố đạt cao.

Bên cạnh đó, do quy mô vốn đầu tư công năm 2020 rất lớn, gấp đôi năm 2019 đòi hỏi các cấp, ngành cũng phải nỗ lực gấp đôi. Cụ thể, kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố Đà Nẵng năm 2020 là 12.373 tỷ đồng để đầu tư cho 536 dự án.

Thời gian qua, do phòng chống dịch COVID-19 kéo dài nên nguồn cung lao động, nhất là sau Tết cũng gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước.

Để triển khai giải ngân vốn đầu tư hiệu quả, ông Phan Quảng Thống – Phó giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã xác định năm 2020 sẽ có nhiều khó khăn, vì đầu tư công chiếm tỉ lệ khá cao so với các năm trước, cộng thêm áp lực ảnh hưởng của dịch bệnh.

Kho bạc đã thực hiện nhiều biện pháp để thích ứng như: cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục giải ngân từ 3 ngày xuống còn 1 - 2 ngày làm việc; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên giải ngân vốn đền bù giải phóng mặt bằng; đôn đốc, theo dõi các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án kịp thời thanh toán vốn tạm ứng tại kho bạc nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích...

Để góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, Kho bạc Nhà nước thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng thường xuyên theo dõi tiến độ của thu ngân sách Nhà nước.

Trong lúc nguồn thu có dấu hiệu giảm (theo kịch bản từ 40 – 50%), cần giảm những phần chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết như: hội nghị trong và ngoài nước, khánh tiết, tiếp khách, mua sắm các tài sản chưa cần thiết...

Bên cạnh đó, thành phố vẫn phải đảm bảo đủ chi 100% cho con người, đảm bảo kế hoạch đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Việc đầu tư có trọng tâm nhằm đảm bảo phục vụ việc đầu tư, phát triển bền vững, hiệu quả và lâu dài, đáp ứng chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục