Lấy đà phục hồi, phát triển kinh tế - Bài 1: Cùng chia sẻ khó khăn

12:52' - 02/06/2020
BNEWS Tại Đà Nẵng, bên cạnh triển khai các giải pháp của Trung ương, nhiều giải pháp đặc thù để khôi phục sản xuất, kinh doanh đã được nghiên cứu, triển khai ngay trong và sau khi kết thúc giãn cách xã hội.

Dưới sự nỗ lực chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dịch COVID-19 đã được khống chế kịp thời tại Việt Nam, nhưng nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tại thành phố Đà Nẵng, bên cạnh triển khai các giải pháp của Trung ương, nhiều giải pháp đặc thù để khôi phục sản xuất, kinh doanh đã được gấp rút nghiên cứu, triển khai ngay trong và sau khi kết thúc giãn cách xã hội.

TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về các giải pháp giảm thiểu tác động, thích nghi với hoàn cảnh mới, “lấy đà” phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

Bài 1: Cùng chia sẻ khó khăn

Ngay trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều công ty, doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn tiếp tục sản xuất để đảm bảo cung cấp nguồn hàng hóa thiết yếu cho các đối tác trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp này đã thực hiện rất nghiêm ngặt nhiệm vụ "kép”, vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho hàng nghìn công nhân, người lao động.

Công nhân, người lao động cũng đã ủng hộ, chia sẻ với các doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Duy trì sản xuất

Dù cảnh giác cao với dịch COVID-19, nhưng không khí lao động, sản xuất vẫn diễn ra hăng hái, nhịp nhàng tại các phân xưởng của Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng (Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Trước khi vào cổng công ty và mỗi nhà xưởng, các công nhân phải xếp hàng, khử trùng tay, lần lượt đi qua máy đo thân nhiệt tự động.

Các công nhân được bố trí ngồi giãn cách, một số bộ phận làm việc luân phiên, khu vực nhà ăn cũng đảm bảo khoảng cách đúng quy định và là tất cả đều đeo khẩu trang liên tục khi làm việc.

Hiện tại, công ty này có 2.300 lao động, mỗi năm sản xuất khoảng 10 triệu sản phẩm giày thể thao, tập trung chính vào thị trường châu Âu.

Năm 2020, công ty đề ra kế hoạch tăng trưởng 10% tổng sản phẩm, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc xuất nhập hàng hóa khó khăn hơn, lượng đơn đặt hàng các tháng đầu năm nay cũng giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, Ban lãnh đạo công ty vẫn rất lạc quan, nếu thời gian tới ảnh hưởng của dịch bệnh không tác động nhiều bên phía khách hàng quốc tế, không bị giảm sản lượng hay hủy đơn hàng thì mục tiêu tăng trưởng này vẫn đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Phú Bình – Giám đốc nhân sự Công ty, việc đảm bảo sức khỏe cho công nhân đã luôn được chú trọng, không chỉ trong đợt phòng chống dịch này.

Cách đây 5 năm, công ty đã triển khai nhiều biện pháp như đảm bảo nhà xưởng thông thoáng, trang bị hệ thống quạt làm mát tự động, những khu vực có sử dụng keo hóa chất thì có lắp máy xử lý không khí để tốt cho người lao động. Đến nay, các chỉ số về vệ sinh môi trường hiện rất tốt và người lao động cũng đánh giá tích cực.

Còn tại chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng, trước đây chi nhánh này chuyên sản xuất mặt hàng quần áo, nhưng hiện đang tập trung sản xuất khẩu trang theo đặt hàng của các đối tác.

Vì vậy, số lượng đơn hàng, công việc thậm chí còn tăng lên chứ không giảm đi so với trước đây. Tổng số lao động tại chi nhánh Đà Nẵng khoảng 700 người nên việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh luôn được đề cao.

Ông Phan Ngọc Tuấn, Giám đốc chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng cho biết, trong thời gian cao điểm phòng chống dịch, công ty đã có những quy định riêng như: khử trùng hàng tuần toàn bộ Công ty, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào làm việc buổi sáng, sắp xếp giãn cách, hạn chế tập trung đông khi ăn trưa. Môi trường làm việc luôn giữ sạch sẽ, thoáng khí và công nhân luôn đeo khẩu trang trong lúc làm việc.

“Chúng tôi luôn nhận thức rằng, sức khỏe của người lao động là một yếu tố rất quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc.” – Ông Tuấn nhận định.

Chăm lo cho người lao động

Là người lao động đã gắn bó trên 10 năm với chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng, chị Huỳnh Thị Tiên, công nhân may chia sẻ, làm việc đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên các công nhân phải vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh.

Nhiều công ty, xí nghiệp khác đã bị ảnh hưởng, công nhân không có việc làm, nhưng công ty đã kịp thời sản xuất mặt hàng mới nên đã giải quyết được việc làm.

Vui hơn là công nhân đã phải tăng ca làm việc để kịp suất khẩu trang đi nước ngoài, nên lương thưởng đợt này thậm chí còn cao hơn mọi khi.

Còn với các công nhân của Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng, tuy quy trình phòng chống dịch bệnh khá nghiêm ngặt, nhiều thủ tục, nhưng họ đã luôn tuân thủ quy định để góp phần ủng hộ công ty.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, công nhân xưởng giày cho biết, trong thời gian qua, công nhân rất yên tâm vì công ty lo về an toàn lao động, vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát.

Do dịch bệnh nên số lượng đơn hàng bị giảm, các công nhân phải cắt giảm luân phiên, thu nhập cũng bị giảm nhưng đều sẵn sàng chia sẻ với khó khăn chung của công ty.

Việc công ty vẫn đảm bảo duy trì sản xuất và hỗ trợ cho những công nhân khó khăn trong thời gian qua là rất đáng mừng.

Thời gian qua, các cấp công đoàn thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều hoạt động chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ để các công nhân an toàn trong sản xuất, ổn định trong cuộc sống.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh, không chỉ trong tháng công nhân, mà các hoạt động đã được triển khai quyết liệt ngay trước và trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố đã chi 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1.500 người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Vận động 98% các công đoàn cơ sở đơn vị, doanh nghiệp trang bị bình sát khuẩn, phát 250.000 khẩu trang vải kháng khuẩn miễn phí cho người lao động. Tổng số tiền đơn vị, doanh nghiệp đã chi cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ người lao động là gần 4 tỷ đồng.

Thiết thực chăm lo cho đời sống công nhân, Liên đoàn Lao động thành phố đã gửi thư ngỏ, vận động được hơn 90% chủ nhà trọ ở các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động, từ 30 - 70% giá thuê nhà.

Ông Nguyễn Duy Minh nhận định, sau đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, các chủ doanh nghiệp đã đề cao việc quan tâm, chăm lo đối với sức khỏe và an toàn của người lao động. Khi đảm bảo được cho người lao động thì các doanh nghiệp mới có đủ nhân lực để phục hồi sản xuất, bắt kịp nhu cầu của thị trường sau giãn cách.

Các cấp công đoàn cũng đã triển khai nhiều chương trình, vận động các chủ doanh nghiệp và người lao động cùng nhau chia sẻ khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh để sớm phục hồi, phát triển kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục