Lấy đà phục hồi, phát triển kinh tế - Bài cuối: Đón sóng đầu tư mới

13:03' - 02/06/2020
BNEWS Chủ đề của Đà Nẵng cho năm 2020 là "Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư", ngay từ đầu năm, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp để phát huy những thành công của việc xúc tiến đầu tư các năm trước.

Sau khi cơ bản khống chế thành công dịch COVID-19, việc xúc tiến thu hút đầu tư của thành phố càng được chú trọng, tập trung để sẵn sàng đón đầu những làn sóng đầu tư mới.

Ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao

Tuy chịu ảnh hưởng chung do dịch COVID-19, nhưng trong các tháng đầu năm 2020, tình hình thu hút đầu tư của khu công nghệ tại thành phố Đà Nẵng vẫn được chú trọng, đạt được một số kết quả khả quan.

Cụ thể, đã có 8 dự án mới được xúc tiến; trong đó, có 7 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng và 1 dự án  vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư 60 triệu USD.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng xem xét, duyệt tăng vốn cho 2 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 4 triệu USD. Lũy kế đến ngày 30/4/2020, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã thu hút 484 dự án; trong đó, 355 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng và 129 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,54 tỷ USD.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng nhận định, so với cùng kỳ năm 2019, thu hút vốn đầu tư FDI của 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 25%, do tác động của dịch bệnh trên toàn cầu.

Do tình hình cách ly giữa các nước nên thành phố chưa thể tổ chức kế hoạch xúc tiến đầu tư như dự định, các chương trình trọng điểm, các diễn đàn đầu tư cũng chưa thể tổ chức.

Tuy vậy, việc thu hút các nhà đầu tư trong nước đang có tín hiệu khả quan với 7 dự án. Số lượng dự án trong nước tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, số vốn tăng 73% so với cùng kỳ 2019.

Cũng theo ông Phạm Trường Sơn, Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng hiện có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ thông tin...

Thời gian qua, bằng các hình thức họp trực tuyến, online, Ban quản lý đã tiếp xúc được với một số tổ chức, doanh nghiệp châu Âu để giới thiệu về các ưu đãi này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban quản lý đã tham gia một số chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng để nghiên cứu kỹ về các điều khoản của các Hiệp định thương mại tự do mới, đảm bảo sẽ triển khai đúng, đủ các điều khoản này trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.815 tỷ đồng và cấp mới cho 50 dự án đầu tư FDI với tổng vốn cấp mới 77,546 triệu USD.

Lũy kế đến nay, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 115.713 tỷ đồng và có 853 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,476 tỷ USD.

Nói về Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 của thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, thành phố đã tập trung nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.

Theo đó, ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, công nghệ cao,...

“Đà Nẵng tập trung xúc tiến thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các sản phẩm mang tính toàn cầu, ít gây ô nhiễm, có giá trị gia tăng cao góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu lớn. Kịp thời đón đầu làn sóng di chuyển đầu tư mới đang hướng vào Đông Nam Á, với môi trường đầu tư thật thông thoáng, hấp dẫn, hạ tầng hiện đại, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư khó tính đến từ châu Mỹ, châu Âu thời hậu COVID-19", ông Trần Phước Sơn thông tin thêm.

Chuẩn bị sẵn sàng

Tuy đạt được kết quả khả quan vào những tháng đầu năm, nhưng theo ông Ngô Đình Tráng, Phó trưởng phòng Kinh tế ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đà Nẵng, về công tác giải tỏa đền bù hiện nay còn quá chậm, tính đến 30/4 mới giải ngân được 75 tỷ đồng/2.150 tỷ đồng (đạt 6,3% kế hoạch).

Đây là điểm nghẽn chính trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Một số dự án đã lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thi công được do chưa có mặt bằng như dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; tuyến đường Trục I Tây Bắc (đoạn từ đường sắt đến Quốc lộ 1A)...

Một số dự án đã triển khai từ các năm trước đến nay vẫn còn vướng mặt bằng như dự án Đường vành đai phía Tây; đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan (đoạn Km5+226,59 - KM10+501 - từ Cầu Đỏ - QL14B); tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh; các tuyến đường 45m (đoạn từ đường Hồ Ngọc Lãm đến đường Trương Định, đoạn từ đường Lê Hữu Trác đến đường Nguyễn Văn Thoại); đường ĐH 2 (xã Hòa Phú – xã Hòa Nhơn)…

Để giải quyết vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Chủ tịch UBND các quận huyện (Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng) tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các “điểm nghẽn” mặt bằng.

Bên cạnh chuẩn bị các quỹ đất và cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị thực hiện tổng rà soát, đánh giá hiệu quả và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đang được triển khai trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, ưu đãi, nhất là các chính sách, ưu đãi về vốn, lãi suất, đổi mới công nghệ...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, thời gian qua thành phố đã đổi mới phương thức tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Châu Âu...

Đồng thời, tạo mối quan hệ với nhiều địa phương của Nhật Bản (Yokohama) và một số tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)… để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về thành phố Đà Nẵng, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao,... thông qua các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, các diễn đàn, hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước; kết hợp công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ trong các sự kiện nhằm tận dụng tối đa nguồn lực.

Để tiếp tục thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý cho biết, tập chung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vật chất của các khu công nghiệp, tập trung triển khai giai đoạn 3 của khu Công nghệ cao với diện tích gần 900 hecta để đón đầu làn sóng đầu tư thời gian tới.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công nhân viên chức, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi hóa cho các nhà đầu tư mới. Về lao động, Ban quản lý khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, trang bị kỹ năng cho lao động hiện hữu (khoảng 80.000 người) trong các khu công nghiệp; tổ chức chương trình phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố để kết nối các doanh nghiệp, liên kết đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên phạm vi cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng cơ bản đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các cấp, các ngành tại Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 cũng như đón thời cơ phát triển mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục