Hợp tác công tư triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao

09:08' - 04/04/2024
BNEWS Để thúc đẩy hợp tác công tư trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa thì cần ký thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngày 3/4, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV) tổ chức hội thảo Hợp tác công tư phục vụ triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa).

Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" ra đời được kỳ vọng là "cú hích" thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo. Đề án có ý nghĩa trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng; quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo; cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biển đổi khí hậu...

Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp ưu tiên cùng tham gia thực hiện; trong đó, một trong những giải pháp then chốt được thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

 
Ngày 23/06/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết địnhsố 2258/QĐ-BNN-HTQT về việc thành lập Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về lúa gạo và giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam làm đồng chủ trì nhóm công tác.

Việc thành lập nhóm công tác Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Cùng đó là tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong khuôn khổ Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa có các tác nhân tham gia: Cơ quan nhà nước, địa phương, các nhóm ngành hàng, tổ chức quốc tế, các dự án phát triển; doanh nghiệp, hợp tác xã,...

Từ nguyên tắc hợp tác công tư, kinh nghiệm qua nghiên cứu, ông Hoàng Vũ Quang đề xuất một số hoạt động có thể hợp tác công tư trong thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa. Theo đó, nhà nước xây dựng quy trình, tài liệu hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa cho hợp tác xã; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp các chính sách của nhà nước; xây dựng các hợp đồng liên kết, giải quyết tranh chấp giữa hợp tác xã và doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất... Doanh nghiệp cung cấp vật tư, giống lúa, kỹ thuật để nhà nước áp dụng trên đồng ruộng; đầu tư ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân; thống nhất quy trình kỹ thuật với nông dân, hợp tác xã; hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ phát triển hợp tác xã...

Vai trò của hợp tác xã là hướng dẫn thành viên hợp tác xã tuân thủ quy trình kỹ thuật, giám sát nông dân thực hành đo đếm giảm phát thải...

Cũng theo ông Hoàng Vũ Quang, để thúc đẩy hợp tác công tư trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa thì cần ký thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tùy theo tình huống hợp tác liên kết sản xuất, doanh nghiệp có thể ký kết từng tỉnh vì gắn liền với các cơ chế chính sách trên địa bàn từng tỉnh. Tuy nhiên, trong thỏa thuận phải nêu rõ trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài hợp đồng giữa nhà nước với doanh nghiệp, nhà nước cũng cần hỗ trợ ký kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.

Tại hội thảo, bên cạnh các thảo luận về vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các bên trong nhóm công tác ngành hàng lúa gạo; nhiệm vụ các bên tham gia hợp tác công tư thực hiện xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo thì các chuyên gia, lãnh đạo ngành nông nghiệp, đại diện các địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã cũng trao đổi về lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã khi tham gia hợp tác công tư...

Theo ông Hoàng Vũ Quang, trong hợp tác công tư thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa các bên đều hưởng lợi. Nhà nước sẽ có lợi vì huy động được nguồn vốn, kỹ năng, kinh nghiệm của các doanh nghiệp tham gia; hộ nông dân, hợp tác xã có lợi ích khi sản xuất lúa tiết kiệm được chi phí và bán được lúa giá cao; doanh nghiệp tìm được lợi nhuận, xây dựng được thương hiệu, vùng nguyên liệu lúa gạo.

"Khi nhãn hiệu, thương hiệu gạo Việt Nam được gắn "low carbon rice" (lúa gạo carbon thấp) chứng nhận gạo Việt Nam được sản xuất giảm phát thải, thân thiện môi trường tung ra thị trường thì đó là một hình ảnh không chỉ cho hạt gạo Việt Nam mà còn cho nông nghiệp Việt Nam và đất nước Việt Nam. Đó là cái lợi lớn nhất - lợi cho quốc gia", ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam nói thêm về lợi ích hợp tác công tư cùng có lợi.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn 5 mô hình điểm quy mô 50 - 100 ha ứng dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải và phương pháp MRV tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để triển khai đề án trong giai đoạn 2024 – 2025.

Đến tháng 8 - 9/2024, khi đã hình thành được lúa giảm phát thải, các địa phương tiếp tục triển khi thêm vụ Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024 - 2025. Trải qua 3 mùa vụ sản xuất lúa, đánh giá, đo đạc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phê duyệt kế hoạch hệ số giảm phát thải.

Ông Phạm Thái Bình, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) kêu gọi ngay lúc này doanh nghiệp, hợp tác xã cùng chung tay với nhà nước để thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa; đồng hành, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất lúa theo quy định của nhà nước. Kỳ vọng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên tham gia hợp tác công tư xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa và xa hơn là đưa "gạo carbon thấp" Việt Nam vươn ra quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục