Hợp tác đầu tư và phát triển Thái Bình (Việt Nam) – Cộng hòa Liên bang Đức

16:24' - 28/06/2023
BNEWS Hội thảo thể hiện quyết tâm của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các đối tác Cộng hòa Liên bang Đức với Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng.

Ngày 28/6, UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam tổ chức trực tiếp và trực tuyến Hội thảo hợp tác đầu tư và phát triển Thái Bình - Cộng hòa Liên bang Đức, với trên 20 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Hội thảo này là cụ thể hóa các nội dung tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Thái Bình với Đoàn công tác của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam vào ngày 17/2/2023. Hội thảo thể hiện sự quyết tâm của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các đối tác Cộng hòa Liên bang Đức với Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng. Đây là hội thảo đầu tiên giữa các đối tác Cộng hòa Liên bang Đức với địa phương phía Bắc của Việt Nam.

 
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định, hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh, đã mở ra nhiều hướng hợp tác giữa Thái Bình và Cộng hòa Liên Bang Đức trong tương lai. Tỉnh Thái Bình luôn xác định nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; việc thu hút đầu tư vào tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Với quan điểm nhà đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh chính là động lực phát triển của tỉnh. Tỉnh Thái Bình cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư lâu dài và hiệu quả tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác và đầu tư tại tỉnh Thái Bình; tiếp tục hỗ trợ tỉnh Thái Bình trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nói chung, từ các nhà đầu tư Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng; đồng thời hỗ trợ giúp đỡ Thái Bình thực hiện thỏa thuận hợp tác quốc tế, trong đó có thỏa thuận hợp tác giữa Thái Bình và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.

UBND tỉnh cũng đề nghị Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam hỗ trợ kết nối với các địa phương, doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh Thái Bình trên một số lĩnh vực như: công nghiệp phụ trợ; sản xuất ô tô, điện, điện tử - viễn thông, chế tạo máy móc; năng lượng tái tạo; các dự án sản xuất dược phẩm; các dự án giáo dục, đào tạo, xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tại hội thảo, ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã giới thiệu khái quát về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; trong đó, nổi bật là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các quốc gia phát triển thông qua các hoạt động kết nối hợp tác đầu tư.

Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Đức đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam bởi đây là quốc gia mới nổi trong thu hút đầu tư nước ngoài. Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam nhận thấy Thái Bình có nhiều tiềm năng, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Đức. Hiện, các nhà đầu tư Đức rất quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề, chuỗi cung ứng vật liệu, thị trường, tài chính, năng lượng...

Ông André de Jong, Đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết, là một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, Hiệp hội Các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp của Đức phát triển, đã tư vấn nhiều chủ đề, tạo mọi cơ hội kinh doanh, trao đổi xã hội trên khắp các vùng, miền của Việt Nam. Đến nay, Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam có hơn 350 thành viên. Đức là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Hơn 700 doanh nghiệp của Đức đã coi Việt Nam là quê hương của họ.

Đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho rằng, về an ninh năng lượng, cần đảm bảo cung cấp điện ổn định để tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bảo vệ môi trường, tính bền vững là ưu tiên của tất cả chính quyền địa phương và quốc gia. Ô nhiễm môi trường cũng như các tác hại khác phải được loại bỏ bằng các quy định hoặc các biện pháp liên quan. Cố gắng đơn giản hóa, số hóa và đồng bộ hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là những lĩnh vực về hải quan, tài chính, xuyên biên giới. Loại bỏ các yêu cầu gọi là thử nghiệm tại địa phương đối với các sản phẩm đã được chứng nhận châu Âu trong tất cả các lĩnh vực...

Tại hội thảo, UBND tỉnh Thái Bình và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam; Công ty cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh và Công ty Rodinh Mobility (Cộng hòa Liên Bang Đức) đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.

Sau hội thảo, Đoàn công tác của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu của Cộng hòa Liên Bang Đức đã đến thăm quan, khảo sát Khu công nghiệp Liên Hà Thái của tỉnh Thái Bình.

Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển, thuộc miền Bắc Việt Nam, nằm ở phía Đông Nam đồng bằng Sông Hồng. Thái Bình nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối các khu kinh tế của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Bình luôn đứng tốp đầu của cả nước. Năm 2022, mặc dù, gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 song tốc độ tăng trưởng GRDP của Thái Bình tăng 9,52%. Tổng vốn thu hút FDI trên 660 triệu USD, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Những con số đó và xu hướng dòng chảy đầu tư vào tỉnh Thái Bình đã khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của Thái Bình, một địa bàn chiến lược cho các nhà đầu tư muốn mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, nguồn nhân lực dồi dào giúp Thái Bình khẳng định vị thế trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI tại khu vực phía Bắc trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục