Hợp tác xã không bán điện sản xuất làm nhiều hộ dân ở Thanh Hóa phải chịu thiệt

17:04' - 04/04/2022
BNEWS Với cách tính tiền điện của Hợp tác xã nông nghiệp điện năng Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa khiến nhiều hộ sản xuất kinh doanh đã bị thiệt đơn, thiệt kép.

Nhiều năm qua, hàng chục hộ sản xuất trên địa bàn xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa phải chịu thiệt bởi không được mua điện sản xuất mà thay vào đó họ phải sử dụng điện sinh hoạt, hoặc điện kinh doanh của Hợp tác xã nông nghiệp điện năng Xuân Khánh. Thực trạng này khiến tiền điện của các hộ trên bị chênh lệch đến gần 1.000 đồng/kWh.

 

Khi chúng tôi có mặt tại xã Xuân Hồng để tìm hiểu sự việc trên, rất nhiều người dân đã đến để bày tỏ nỗi bức xúc. Tại đây, nhiều hộ dân sản xuất, kinh doanh như: hàn xì, quạt công nghiệp cho các trang trại chăn nuôi lớn, máy đóng gạch vồ, mộc gia dụng... phải sử dụng điện kinh doanh hoặc điện sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 23/VBHN-BCT ngày 16/10/2018 của Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện, các hộ dân trên phải được mua điện với mục đích sử dụng là điện sản xuất (theo mục 3, điều 7, chương II).

Còn tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, ngày 20/3/2019 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện thì giá điện sản xuất trung bình chỉ 1.685 đồng/kWh, nhưng điện kinh doanh có giá trung bình tới 2.666 đồng/kWh.

Có nghĩa là mỗi kWh điện, người dân phải chịu thiệt gần 1.000 đồng, còn điện sinh hoạt thì tăng theo giá bậc thang. Như vậy, với cách tính tiền điện của Hợp tác xã nông nghiệp điện năng Xuân Khánh thì nhiều hộ sản xuất kinh doanh đã bị thiệt đơn, thiệt kép. Ông Nguyễn Khắc Trung ở xã Xuân Hồng có trang trại nông nghiệp tổng hợp nuôi 50 con lợn nái và 500 con lợn thịt. Trang trại có 4 quạt điện có tổng công suất 10 kWh để làm mát cho chuồng trại. Nhưng do không được mua điện sản xuất, buộc ông Trung chỉ sử dụng từ 30-50% công suất của các quạt này.

Ông Trung bức xúc cho biết, theo quy định, trang trại của ông phải được sử dụng điện sản xuất, nhưng Hợp tác xã nông nghiệp điện năng Xuân Khánh không bán điện sản xuất cho trang trại, mặc dù ông đã nhiều lần đề nghị nhưng không được chấp thuận. Với cách tính tiền điện như hiện nay, trang trại của ông không sử dụng đủ công suất điện bởi tiền điện có thể đội lên từ 14-15 triệu đồng/tháng.

Cũng trong tình cảnh tương tự, cơ sở sản xuất gạch xây dựng của gia đình bà Lê Thị Đào cũng không được mua điện sản xuất mặc dù theo Thông tư số 23/VBHN-BCT, ngày 16/10/2018 của Bộ Công Thương thì cơ sở sản xuất của bà Đào đủ điều kiện mua điện sản xuất.

Bà Đào bức xúc, dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở bị ảnh hưởng nặng. Hợp tác xã nông nghiệp điện năng Xuân Khánh lại không bán điện sản xuất khiến việc làm ăn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Gia đình bà cũng nhiều kiến nghị mua điện sản xuất nhưng không được chấp thuận, còn nếu chấp thuận phải nộp một khoản tiền lớn.

Bên cạnh việc bán điện không đúng quy định cho các hộ sản xuất kinh doanh, khi thu tiền điện, Hợp tác xã nông nghiệp điện năng Xuân Khánh cũng không giao hóa đơn cho các hộ này, mà chỉ cho ghi vào quyển sổ tay. Người thu tiền điện cũng không ký vào sổ. Chỉ những hộ nào yêu cầu nhiều lần thì hợp tác xã mới xuất hóa đơn. Việc làm này dễ xảy ra khuất tất trong việc xác định điện giá sản xuất, sinh hoạt hay kinh doanh.

Để tìm hiểu về những bất cập kể trên, phóng viên đã nhiều lần điện thoại cho ông Nguyễn Văn Khôi, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp điện năng Xuân Khánh theo số điện thoại 0943.390.535 để được làm việc, tuy nhiên ông này đều từ chối.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Chánh Thanh tra Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, khi bán điện cho các hộ sản xuất hay kinh doanh thì phía hợp tác xã điện lực phải cho người xuống khảo sát để xác định mục đích sử dụng điện. Trên cơ sở đó, phía điện lực sẽ làm hợp đồng mua bán điện với người dân, chứ không được tự ý chuyển từ giá điện sản xuất sang điện kinh doanh hay điện sinh hoạt.

Để khắc phục vấn đề này, Sở Công Thương đã cho thanh kiểm tra Hợp tác xã nông nghiệp điện năng Xuân Khánh nhằm chấn chỉnh việc kinh doanh điện của hợp tác xã. Đồng thời, hướng dẫn cho các hộ nắm đầy đủ quy định để được mua điện theo đúng mục đích sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho họ./.

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục