HSBC: Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, nhưng lưu ý rủi ro lạm phát

14:53' - 12/10/2023
BNEWS Nền kinh tế của Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đặt nền móng cho đà phục hồi nhẹ với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự kiến đạt mức 5,3% trong quý III/2023.

Tuy nhiên, những yếu tố khiến rủi ro lạm phát gia tăng đã quay trở lại, đặc biệt là vấn đề tỷ giá, do đó lạm phát bình quân có thể lên mức 3,4% trong năm nay, thay vì mức dự báo 3,2% như trước đó.

 

Đây là một số nội dung đáng chú ý trong báo cáo “Vietnam At A Glance” với chủ đề Ánh sáng cuối đường hầm, do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng HSBC công bố ngày 12/10.

Theo Bộ phân Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, sau nửa đầu năm đầy thách thức, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cuối quý III đạt mức khá tốt là 5,3%, vượt xa kỳ vọng của thị trường.

HSBC cho rằng, điều khiến ngạc nhiên nhất chính là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Dù vẫn còn quá sớm để có thể coi đây là một sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại toàn cầu, song lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi vốn rất cần thiết.

Việc phục hồi này có thể một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, tuy nhiên xuất khẩu chứng kiến tăng trưởng lần đầu tiên sau hơn 6 tháng, đã giúp làm dịu tình trạng sụt giảm xuất khẩu nghiêm trọng từ mức hai con số trong 6 tháng đầu năm xuống dưới 2% so với cùng kỳ trong quý III. Trong khi tình trạng suy yếu xuất khẩu vẫn còn duy trì ở hầu hết các ngành hàng, riêng máy tính và nông sản tăng trưởng khá tốt có thể bù đắp cho một số rủi ro.

Xu hướng này cũng được phản ánh trong tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác thương mại lớn. Mặc dù, xuất khẩu sang Mỹ (30% thị phần) và EU (15% thị phần) vẫn chưa thấy được sự chuyển biến nhưng cũng đã ngưng sụt giảm thêm. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc (15% thị phần) liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, phần lớn nhờ vào mức tăng trưởng ấn tượng của các mặt hàng nông sản.

Đáng chú ý, các chuyên gia của HSBC cũng cho rằng, dù có những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, nhưng triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng. Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong 3 năm qua.

Bên cạnh sản xuất, ngành du lịch đang bùng nổ của Việt Nam vẫn là nền tảng cho ngành dịch vụ, thúc đẩy Chính phủ tăng chỉ tiêu cả năm cho ngành du lịch.

Với một số tín hiệu tích cực trong lĩnh vực thương mại và du lịch, HSBC duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5%, kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại.

Trong khi lạm phát tháng 9 được kiềm chế ở mức 3,7%, dưới mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát liên tục nhích lên làm dấy lên mối lo ngại. Một mặt, giá thực phẩm đã tăng khoảng 3% so với tháng trước trong hai tháng liên tiếp, đẩy lạm phát so với cùng kỳ năm trước vượt quá 10%.

Theo HSBC, trong khi thương mại của Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo cao hơn, giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao. Ngược lại, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Không chỉ chi phí vận tải lần đầu tiên trong một năm đã ngưng giảm so với cùng kỳ năm trước mà giá khí đốt trong nước cũng tăng đáng kể.

“Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng những diễn biến gần đây sẽ đẩy lạm phát bình quân vượt mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước, nhưng tình thế "họa vô đơn chí" này gây ra rủi ro gia tăng đáng kể. Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam lên 3,4% trong năm 2023, từ mức 3,2% trước đó. Vì vậy, chúng tôi không còn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay”, HSBC đánh giá.

Trước đó, HSBC nhận định Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa trong năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh quá trình phục hồi đang diễn ra khi lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng, các điều kiện để cắt giảm lãi suất không còn nữa. HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài.

“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không kỳ vọng chuyện tương tự tháng 10/2022, khi đợt tăng liên tục của tỷ giá USD/VND buộc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay tăng lãi suất. Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô của VND đã được cải thiện. Chẳng hạn, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam gần như đã quay trở lại mức đỉnh trước đó là gần 5% GDP, nhờ thặng dư thương mại mạnh mẽ, lượng kiều hối dồi dào và doanh thu du lịch tăng”, chuyên gia của HSBC phân tích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục