Huawei đối mặt với những rào cản mang tính toàn cầu

05:30' - 29/11/2018
BNEWS Tập đoàn Huawei trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc nhờ sự phát triển của thiết bị mạng di động và là một trong những nhà cung cấp thiết bị mạng di động lớn nhất thế giới.
Biểu tượng Huawei. Ảnh: EPA-EFE/ TTXVN

Sau khi vượt qua “người khổng lồ” công nghệ Apple, Mỹ, để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới dựa trên thị phần, Huawei đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ soán vị trí số 1 của Samsung. Huawei đã cho ra đời dòng điện thoại thông minh (smartphone) của mình vào năm 2010, ba năm sau khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên. 

Theo thống kê doanh thu trong quý II/2018 (từ tháng 4 đến cuối tháng 6/2018) của các hãng sản xuất smartphone hàng đầu thế giới do IDC thực hiện, Huawei đã lần đầu tiên vượt qua đối thủ Apple Inc của Mỹ về thị phần smartphone khi xuất xưởng tới 54,2 triệu chiếc điện thoại thông minh - tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Apple chỉ tung ra 41,3 triệu chiếc. 

Sự vươn lên mạnh mẽ của Huawei giúp hãng chiếm 15,8% thị trường smartphone toàn cầu, chỉ đứng sau Samsung với 20,9% thị phần (71,5 triệu điện thoại xuất xưởng) và dẫn trước Apple (12,1% thị phần).  Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2010 Apple trượt khỏi nhóm hai nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Giới quan sát nhận định, Huawei đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường điện thoại thông minh đang phát triển và đổi mới liên tục. Các nhà cung cấp khác của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo là những đối thủ cạnh tranh chính, trong khi Samsung cũng sẽ không bị loại khỏi vị trí dẫn đầu một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, một rào cản lớn khác đối với tham vọng của Huawei là vòng xoáy chính trị. Năm 2012, Huawei đã bị cấm tiếp cận thị trường Mỹ do bị nghi liên quan tới Chính phủ Trung Quốc.

Đầu năm nay, các nhà lãnh đạo các cơ quan tình báo và những người khác đã nói rằng họ lo ngại Huawei và các công ty Trung Quốc khác có thể đang phục tùng Chính phủ Trung Quốc hoặc Đảng Cộng sản cầm quyền, khơi ra nguy cơ các công ty này hoạt động gián điệp.

Ủy ban đảng Dân chủ Toàn quốc Mỹ cảnh báo các ứng cử viên của đảng tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 11 không nên sử dụng các thiết bị của Huawei hoặc ZTE, một hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc.

Không chỉ trong lĩnh vực điện thoại di động, Huawei cũng gặp phải những khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ khác như lĩnh vực công nghệ di động không dây 5G thế hệ mới có tốc độ truyền tải cực nhanh tại một số quốc gia. Cụ thể, cuối tháng Tám, Australia công bố quyết định liên quan đến các dự án xây dựng hạ tầng mạng viễn thông 5G tại nước này. 

Các quan chức cấp cao của Australia cho biết "tất cả các nhà cung cấp không có khả năng ngăn chặn sự can thiệp của bên ngoài vào mạng lưới viễn thông quốc gia đều sẽ bị loại khỏi dự án xây dựng hạ tầng mạng 5G tại Australia". 

Quyết định này dựa trên điều luật an ninh quốc gia của Australia vừa được ban hành năm ngoái, theo đó cho phép ngăn chặn các công ty “có thể chịu sự chỉ đạo từ một chính phủ nước ngoài xung đột với luật pháp Australia”. Thông báo của Chính phủ Australia không đề cập cụ thể tập đoàn Huawei, tuy nhiên, trên Twitter, tập đoàn này xác nhận đã bị Chính phủ Australia từ chối.

Australia là một thành viên trong Mạng lưới tình báo Five Eyes, cùng với Mỹ, Canada, Anh và New Zealand. Nhóm này đều thể hiện sự cảnh giác với tập đoàn công nghệ cao Huawei của Trung Quốc, nhất về tham vọng muốn trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới thống lĩnh thế hệ 5G tiếp theo.

Các nước này coi Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia bởi họ cho rằng các công ty quốc doanh Trung Quốc sẽ phải làm việc cho các cơ quan tình báo Trung Quốc nếu được yêu cầu.

Không chỉ các quốc gia phương Tây, Ấn Độ cũng đã công bố việc loại trừ các công ty Trung Quốc ZTE và Huawei ra khỏi dự án tham gia phát triển mạng 5G. Bình luận về việc này, Phó Giám đốc Viện châu Á-Phi của Đại học Tổng hợp Moskva Andrei Karneev cho biết, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch thử nghiệm sử dụng mạng 5G tới đầu năm 2019 và đến năm 2020 triển khai đầy đủ mạng điện thoại thế hệ mới. 

Điều này mở ra khả năng thu hút nhiều công nghệ từ Trung Quốc, vì nước này có tiềm năng cần thiết để trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng 5G hàng đầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, Bộ Viễn thông Ấn Độ đã loại trừ Huawei và ZTE ra khỏi danh sách các công ty được phép xây dựng mạng 5G trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục