Hưng Yên: Huyện Ân Thi lấy công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao làm trụ đỡ kinh tế

21:53' - 25/07/2020
BNEWS "Xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu cùng với phát triển công nghiệp sạch, coi đây là trụ đỡ kinh tế và là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới". 

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã nhấn mạnh vấn đề này tại Đại hội Đảng bộ huyện Ân Thi lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25/7.

* Bức tranh chiến lược

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị trong giai đoạn mới, huyện Ân Thi tiếp tục coi trọng phát triển nông nghiệp, thực hiện tốt các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao hiện đại gắn với công nghiệp chế biến. Đồng thời, tập trung nâng cao tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu trong năm 2020 Ân Thi trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Phóng cũng lưu ý địa phương này tiếp tục phát triển nhanh, mạnh công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Phát huy lợi thế có đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường nối 2 cao tốc chạy qua, huyện Ân Thi cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chung, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và tạo môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn, khai thác thế mạnh của từng vùng để phát triển nhanh mạnh và toàn diện, đưa Ân Thi trở thành điểm sáng của tỉnh.

Ông Nguyễn Lê Huy, Bí thư Huyện ủy Ân Thi cho biết, trong mục tiêu phát triển kinh tế nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện sẽ thực hiện 2 khâu đột phá. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; chú trọng thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiến bộ, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích canh tác hiệu quả thấp sang mô hình trồng cây, chăn nuôi giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, huyện quy hoạch vùng sản xuất, xác định nông sản chủ lực, hình thành vùng sản xuất rau màu, cây ăn quả đặc sản tại các xã Đa Lộc, Tiền Phong, Quang Vinh, Cẩm Ninh, Hạ Lễ, Hồ Tùng Mậu, Tiền Phong... Tiếp tục quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học; khai thác hiệu quả mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hạ Lễ, triển khai dự án nuôi trồng thủy sản tại xã Cẩm Ninh. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có trên 60 trang trại cho doanh thu đạt từ 1 - 2 tỷ đồng/năm; giá trị bình quân trên diện tích canh tác cây hằng năm và nuôi trồng thủy sản đạt 220 triệu đồng/ha.

Ưu tiên nông nghiệp, huyện cũng chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp tại các các địa phương trong vùng dự án Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường nối hai đường cao tốc (Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình), Quốc lộ 38 mới.

Mặt khác triển khai 2 dự án khu công nghiệp Bãi Sậy và Thổ Hoàng tổng diện tích hơn 860 ha; mở rộng các cụm công nghiệp: Phù Ủng, Vân Du - Quang Vinh, Quảng Lãng - Đặng Lễ; bổ sung 3 cụm công nghiệp với diện tích 250 ha ở các  xã Quang Vinh, Hoàng Hoa Thám, Tân Phúc. Huyện tập trung khôi phục, mở rộng làng nghề truyền thống hiện có như chạm bạc Huệ Lai, Phù Ủng; chế biến thực phẩm Trà Phương, Hồng Vân… kết hợp với phát triển ngành nghề mới.

*Trên đà khởi sắc

Theo ông Mai Xuân Giới, Chủ tịch UBND huyện Ân Thi, việc đưa ra những chiến lược nói trên xuất phát từ nền tảng bức tranh kinh tế của địa phương đang trên đà khởi sắc, với những điểm nhấn ấn tượng. Trong đó nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa, giá trị thu nhập đạt hơn 200 triệu đồng/ha, lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích, nổi bật là giống nếp thơm Hưng Yên cho năng suất, chất lượng vượt trội. Toàn huyện đã chuyển đổi hơn 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản; nhiều mô hình ở các xã Đa Lộc, Tiền Phong, Quang Vinh, Hạ Lễ, Cẩm Ninh... cho thu lãi trên 300 triệu đồng/ha mỗi năm.

Trên địa bàn huyện đã hình thành mô hình trồng cây ăn quả đặc sản như: vải trứng Đa Lộc, cam Quang Vinh, ổi Cẩm Ninh, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại xã Hạ Lễ, Cẩm Ninh. Toàn huyện có gần 500 gia trại và trang trại, trong đó có hơn 60 trang trại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm; có 6 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP. Hiện cả 20/20 xã của huyện được công nhận nông thôn mới, đạt 100% và đang tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bội thu về nông nghiệp, bức tranh công nghiệp của vùng quê vốn thuần nông cũng đang khởi sắc với 7 cụm công nghiệp được quy hoạch trên diện tích gần 400 ha; bước đầu đã thu hút hơn 30 dự án đầu tư. Để tạo nền tảng cho công nghiệp bứt phá, huyện Ân Thi đã phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông. Từ năm 2016 đến nay đã triển khai gần 350 dự án công trình, với trên 120 km đường giao thông, tổng kinh phí trên 530 tỷ đồng.

Huyện cũng đang khai thác lợi thế từ các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua địa bàn như: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối hai đường cao tốc (Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình), Tỉnh lộ 200; tuyến đường Vành đai V vùng thủ đô Hà Nội đang thi công; nút giao lên xuống đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại xã Bãi Sậy. 13 tuyến đường mới đã được định hướng trong quy hoạch vùng huyện.

Cùng với hệ thống đường giao thông nông thôn 940 km, Ân Thi sẽ thuận lợi trong kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… mở ra cơ hội và sự đột phá trong bức tranh kinh tế của huyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục