Hướng đi nào cho chăn nuôi nhỏ lẻ?

16:37' - 23/07/2021
BNEWS Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, trong khi đó giá sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà thì lại tiếp tục đi xuống thấp khiến người chăn nuôi không khỏi lo lắng trong tái sản xuất.

Hiện chăn nuôi quy mô lớn, khép kín từ giống còn có chút lợi nhuận. Nhưng chăn nuôi nhỏ dường như sẽ phải bỏ cuộc trong bối cảnh hiện nay. Do đó, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ phải tìm hướng đi mới, bền vững hơn nhất là trong bối cảnh thị trường hội nhập.


Hiện trên thị trường miền Bắc, giá lợn hơi thu mua trong khoảng từ 55.000 - 59.000 đồng/kg. Tại miền Trung - Tây Nguyên, lợn hơi giá khoảng từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Khu vực miền Nam phổ biến trong khoảng từ 52.000 - 54.000 đồng/kg. Giá gà lông màu ngắn ngày dao động từ 36.000 – 37.000 đồng/kg. Gà trắng tại miền Bắc là 25.000 đồng/kg, các vùng còn lại trong khoảng từ 11.000 – 12.000 đồng/kg.
Với giá các sản phẩm chăn nuôi như vậy, người chăn nuôi gần như là thua lỗ, đặc biệt là những trang trại nuôi gà trắng. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, hiện chăn nuôi gia cầm đang đối mặt với thị trường và dịch bệnh. Một số sản phẩm gia cầm vừa qua có nhích lên do khủng hoảng nguồn cung trong ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp, trang trại giảm quy mô sản xuất, không tái đàn vì giá thức ăn quá cao, cộng thêm nguy cơ dịch bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đánh giá, ảnh hưởng của dịch COVID-19 với ngành chăn nuôi quá lớn. Giá thức ăn tăng liên tục với tổng các lần tăng khoảng trên 30%. Do vậy, chi phí đầu tư quá lớn, người chăn nuôi không có lãi nhiều mặc dù giá lợn đang ở mức từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Trong khi trước đây, giá lợn hơi chỉ cần từ 40.000 – 50.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi cao.
“Do nhiều địa phương bị giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, các chủ thể chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lớn cũng rơi vào cảnh khó xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất. Doanh nghiệp cũng khó lường trước được trong tình tình hiện nay, bởi nếu gặp khó trong lưu thông, tiêu thụ rất dễ rơi vào tình trạng “nuôi báo cô” trong khi giá thức ăn đang rất cao”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.
Mặc dù là Thủ đô nhưng Hà Nội vẫn có nhiều vùng có thể phát triển chăn nuôi chuyên như: Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa… với đất đai rộng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố có các chính sách mạnh để phát triển chăn nuôi và phát triển đứng top đầu cả nước. Hà Nội cũng hướng phát triển công nghiệp theo vùng, xã trọng điểm với quy mô lớn ngoài khu dân cư để từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng hiện thành phố vẫn còn gần 60% là nhỏ lẻ.
Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, Hà Nội cũng như nhiều địa phương hiện nay không khuyến khích và Hà Nội từng bước tuyên truyền để giảm đối tượng chăn nuôi này. Vì vậy, các hộ chăn nuôi nhỏ cần chuyển sang quy mô lớn, liên kết thành hợp tác xã hay chuyển đổi nghề.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi ở Hà Nội cũng chuyển đổi rất nhanh như sang nuôi bò thịt. Tuy nhiên, chăn nuôi lớn lại liên quan đến đất đai, hay chăn nuôi bò thì phải tính đến trồng cỏ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để hướng dẫn người dân không nhất thiết chăn nuôi bò phải có diện tích trồng cỏ. Người dân có thể mua thân cây ngô, rơm… với các biện pháp bảo quản để tích trữ.
Để nâng cao chất lượng, sản lượng đàn vật nuôi, Hà Nội đã có nhiều chính sách và mạnh nhất là chính sách về nâng cấp, cải tạo giống; trong đó, đặc biệt là hỗ trợ thụ tinh nhân tạo.
“Ở đâu có tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cao thì ở đó có đàn gia súc, gia cầm mạnh. Chỉ có con đường cải tạo giống bằng thụ tinh nhân tạo mới nhanh và hiệu quả nhất. Với sự hỗ trợ mạnh của thành phố đến nay, trên 80% đàn bò, lợn của thành phố đã được thụ tinh nhân tạo”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tiếp tục xây dựng chính sách để trình thành phố với chính sách trọng điểm vẫn là nâng cao chất lượng con giống, đặc biệt là giống nhập ngoại; hỗ trợ các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường…  Hướng đi chính của Hà Nội vẫn là chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn dịch bệnh để tránh rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh.

Khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất nên chăn nuôi nông hộ sẽ thu hẹp. Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, các nông hộ sẽ phải chuyển đổi sang chăn nuôi những con được ngành nông nghiệp khuyến cáo như: gia súc ăn cỏ, lợn đặc sản, thỏ, dê... Ngành sẽ chỉ đạo để có dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thịt các loại chính xác hơn. Từ đó, bà con có thể có định hướng sản xuất phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, khi chăn nuôi nông hộ hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mưu sinh của hàng triệu hộ nông dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chăn nuôi nông hộ thời gian tới phải hướng đến sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, tạo sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh.
Kế thừa những chính sách hỗ trợ tại Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 đã thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi giai đoạn 2021-2025. Theo đó là các chính sách hỗ trợ mạnh về giống, xử lý chất thải, vùng an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ…
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chăn nuôi nông hộ sẽ cần giải quyết đồng bộ về cơ chế chính sách, biện pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại để có hệ sinh thái chuẩn bị cho bước phát triển trong giai đoạn tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục