Hướng hợp tác mới của ASEAN với các nước lân cận

05:30' - 24/09/2017
BNEWS Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 14 diễn ra tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Quốc vụ Trung Quốc Trương Cao Lệ và các đại biểu tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) lần thứ 14 tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày 11/9. Ảnh: THX/TTXVN

Hai sự kiện đã thu hút sự quan tâm từ Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước ngoài khu vực. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), các nhà lãnh đạo 11 nước ASEAN và các nước đối tác hợp tác được mời đã tham dự sự kiện lần này. 

Phát biểu khai mạc hội chợ CAEXPO, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, ông Bành Thanh Hoa (Peng Qinghua) cho biết Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác du lịch xuyên biên giới với ASEAN, cùng tổ chức các hoạt động của năm hợp tác du lịch Trung Quốc - ASEAN 2017. 

Năm nay là năm kỷ niệm 50 thành lập ASEAN, là một năm quan trọng đối với công cuộc xây dựng dự án “Vành đai và Con đường” và cũng là năm hợp tác du lịch Trung Quốc - ASEAN.

 Nhân năm hợp tác du lịch Trung Quốc - ASEAN, hội chợ CAEXPO lần này tập trung vào hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch, bổ sung thêm chín lĩnh vực lớn như hợp tác Trung Quốc - Kazakhstan, du lịch biển, hành lang thông tin không gian, phòng chống thiên tai…, làm sâu sắc toàn diện hợp tác trong các lĩnh vực rộng hơn, đưa hội nhập hợp tác kinh tế khu vực lên một tầm cao mới.

Ông Bành Thanh Hoa khẳng định tỉnh Quảng Tây mong muốn nêu cao tinh thần "Con đường tơ lụa" lấy hợp tác hòa bình, cởi mở bao dung, học hỏi lẫn nhau, cùng thắng cùng có lợi làm hạt nhân, cùng với các bên đẩy mạnh trao đổi hợp tác hữu nghị, thực hiện đại hội nhập kinh tế, đại liên kết phát triển, cùng hưởng thành quả lớn.

Theo ông chia sẻ, hội chợ quan trọng lần này lần đầu tiên thiết lập khu triển lãm “Vành đai và Con đường” và mời các nước dọc vành đai kinh tế "Con đường tơ lụa" tham dự với tư cách đối tác hợp tác được mời. 

Trong khuôn khổ hội chợ, 36 diễn đàn cấp cao sẽ được tổ chức để tăng cường hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực như năng lực sản xuất quốc tế, kết nối, dịch vụ hậu cần cảng biển, kinh tế xuyên biên giới, thương mại điện tử xuyên biên giới, tài chính, xã hội và nhân văn..., triển khai thực hiện kết quả Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”, thúc đẩy xây dựng con đường hòa bình, thịnh vượng, cởi mở, đổi mới và văn minh.

Ông Bành Thanh Hoa còn cho biết hiện nay Quảng Tây đang thúc đẩy xây dựng các dự án quan trọng như Hành lang kinh tế Brunei - Quảng Tây, kênh kết nối hướng Nam giữa Trung Quốc - Singapore, Cảng thông tin Trung Quốc - ASEAN…, nỗ lực phát huy vai trò lớn hơn nữa trong xây dựng “Vành đai và Con đường”.

Tại lễ khai mạc cũng đã diễn ra lễ kết nối năm doanh nghiệp tham gia dự án kết nối đa phương thức (trên biển, trên bộ, trên không, trên mạng) giữa Trung Quốc và Singapore mang tên “kênh kết nối hướng Nam” đến từ Trùng Khánh, Quảng Tây, Quý Châu, Cam Túc và Singapore. 

“Kênh kết nối hướng Nam” cũng là một dự án trong chiến lược “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc khởi xướng và chủ đạo. Đây là dự án cấp quốc gia thứ 3 mà Trung Quốc và Singapore đang thúc đẩy hợp tác ở khu vực phía Tây Trung Quốc.

Dự án hướng Nam kết nối trên bộ và trên biển với các nước ASEAN và có thể kết nối thuận lợi với "Con đường tơ lụa" trên biển thế kỷ 21, hướng Bắc sẽ kết nối với tuyến đường sắt “Trùng Khánh - Tân Cương - EU”, giúp Trung Quốc và khu vực Trung Tây Á, thậm chí là cả châu Âu được kết nối chặt chẽ.

Tuyến đường lớn này hoàn thành sẽ kết nối ở khu vực phía Tây giữa “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”, “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và Vành đai kinh tế sông Dương Tử. 

Với tuyến đường huyết mạch lớn này, các nước dọc tuyến đường và khu vực sẽ thực hiện chia sẻ các yếu tố như năng lực sản xuất, thị trường…, thúc đẩy giao lưu thương mại, văn hóa quốc tế và khu vực, xây dựng một mô hình phát triển mới và mở cửa ở khu vực phía Tây.

Theo Đài Bắc Kinh, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Thương mại và Đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 14, Hội thảo thương mại và đầu tư Trung Quốc - Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN (BIMP-EAGA) vừa được tổ chức tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc). 

Với sự tham gia của hơn 200 đại diện đến từ Trung Quốc, Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines, hội thảo tập trung thảo luận tiềm năng và cơ hội của Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN.

Được thành lập vào năm 1994, Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN là một trong ba cơ chế hợp tác tiểu vùng trong nội khối ASEAN, phạm vi bao gồm Brunei và một số khu vực của các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, nhằm thúc đẩy các khu vực kém phát triển và khu vực lân cận phát triển thông qua bổ trợ kinh tế cũng như chia sẻ nguồn lực và thị trường.

Chủ tịch luân phiên Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN mong muốn có sự tăng cường hợp tác trong các mặt như kết nối, du lịch, môi trường, thực phẩm, văn hóa và giáo dục, cũng mong đợi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác tốt hơn với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, góp phần lớn hơn cho việc thực hiện Tầm nhìn năm 2025 của Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN.

Từ năm 2005, Trung Quốc đã trở thành đối tác phát triển của Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN. Hai bên đã không ngừng làm sâu sắc hoạt động giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, nhân văn. Từ năm 2005-2016, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và bốn nước Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN đã tăng 62%.

Số liệu cũng cho thấy những năm qua, tổng vốn đầu tư vào Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN trung bình tăng 31,4%, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 70%. 

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hành động vốn đầu tư nước ngoài của Phủ Thủ tướng Brunei đã giới thiệu tường tận môi trường đầu tư của Brunei tại cuộc hội thảo. Ông bày tỏ mong đợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn nhằm thúc đẩy việc làm ở địa phương, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ ở địa phương.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ tin tưởng vào triển vọng của ngành du lịch ở Khu vực Tăng trưởng miền Đông ASEAN. Thư ký Thường trực Sở Du lịch, Văn hóa-nghệ thuật, Thanh niên và Thể thao bang Sarawak, Malaysia, mong muốn ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm ngành du lịch, thúc đẩy khai thác tài nguyên du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân tài cho khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục