Hướng tiếp cận bền vững phát triển công nghiệp

15:45' - 12/06/2019
BNEWS Hiện 72 doanh nghiệp từ 4 khu công nghiệp ở Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng đã áp dụng các công nghệ và các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD.
Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 12/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án Quốc gia, đánh giá cao tác động tích cực của dự án.

Ông Đông cho biết, dự án triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái đã góp phần quan trọng cho việc ban hành các quy định liên quan về khu công nghiệp sinh thái tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 (gọi tắt là Nghị định 82) của Chính phủ về quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế, có hiệu lực từ tháng 7 năm 2018. Nghị định 82/2018/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam đặt nền móng cho việc thực hiện chuyển đối từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái.
Hiện 72 doanh nghiệp từ 4 khu công nghiệp ở Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng đã áp dụng các công nghệ và các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD.
Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, tái khẳng định cam kết của Chính phủ Thụy Sỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh hơn. Bà Beatrice Maser Mallor cho biết: “Sáng kiến khu công nghiệp sinh thái là một trong những chương trình quan trọng trong khuôn khổ hợp tác và phát triển kinh tế của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam.

Mục tiêu cơ bản của chương trình hỗ trợ này là giới thiệu và trình diễn tính thực tiễn và lợi ích của các khu công nghiệp bền vững trong chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam.”
Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc, ông Kamal Malhotra nhấn mạnh, sáng kiến khu công nghiệp sinh thái phù hợp với Kế hoạch chiến lược chung của Liên Hợp quốc tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2021, đặc biệt ưu tiên 2 lĩnh vực trọng tâm: đảm bảo khả năng chống chịu với khí hậu và bền vững về môi trường; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác vì một mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
“Dự án này là một minh họa cụ thể về những yêu cầu mà một nền kinh tế tuần hoàn cần phải có. Đó cũng chính là điều Chính phủ Việt Nam đang quan tâm và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ Liên Hợp quốc và các đối tác phát triển khác nhằm xác định các ưu tiên chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược trung hạn này, Chính phủ đang đặt nhiều hy vọng vào việc đạt được "mục tiêu kép": tốc độ tăng trưởng cao và bền vững song song với bảo vệ môi trường.”, ông Kamal Malhotra cho biết.
Đại diện Văn phòng Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam, bà Lê Thị Thanh Thảo nhấn mạnh, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện tại sang mô hình khu công sinh thái sẽ là cơ hội để đạt được phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm tại Việt Nam.
Bà Thảo, cho biết: "Dự án khu công nghiệp sinh thái là bước tiếp nối của chặng đường dài UNIDO hỗ trợ Việt Nam về sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp từ hơn 20 qua.

Những thành công hôm nay sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái rộng rãi tại Việt Nam trong những năm tới, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thu hút đầu tư có chất lượng, đặc biệt từ khu vực tư nhân, nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam.”
Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp quốc thực hiện từ năm 2014. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5 triệu USD, được triển khai trong 5 năm và được tài trợ từ nguồn vốn không hoàn lại của Quỹ Môi Trường Toàn cầu (GEF) và Chính phủ Thụy Sỹ, thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) trong Chương trình Toàn cầu về Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất Sạch hơn (RECP).
Dự án thực hiện thí điểm tại các Khu công nghiệp Khánh Phú và Gián Khẩu (tại Ninh Bình); Khu công nghiệp Hòa Khánh (thành phố Đà Nẵng) và Khu công nghiệp Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).

Dự án có mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển giao, triển khai và nhân rộng các công nghệ và các giải pháp sạch nhằm giảm thiểu rác thải độc hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp thí điểm.
Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tham gia dự án được hỗ trợ cung cấp các thông tin về chuyển giao công nghệ mới nhất và tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn qua đó giúp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa đầu vào nguyên liệu thô, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, sử dụng tiết kiệm nước cũng như đảm bảo an toàn về sử dụng hóa chất và quản lý nước thải.
Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch do dự án tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai đã giúp tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện; hơn 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ (Tê ra jun) nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục